Hà Tĩnh: Cơ hội cho lao động sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ
- Bài thuốc hay
- 13:45 - 03/08/2019
Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐTBXH trao đổi biên bản ghi nhớ với Trường ĐHQG Kyungpook Hàn Quốc
Theo đó, chương trình hợp tác đưa lao động (LĐ) sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa C4 (sang làm việc 90 ngày rồi về và lại sang tiếp, không hạn chế lần đi) đã được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất. Năm 2019 là năm đầu tiên Hà Tĩnh tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác đưa LĐ sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (diện C4) tại thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc).
Ông Nguyễn Trí Lạc- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết: Trong thời gian tới, thành phố Pocheon và nhiều địa phương khác của Hàn Quốc sẽ tiếp nhận hàng trăm LĐ của Hà Tĩnh đi làm việc thời vụ trong ngành sản xuất nông nghiệp. Yêu cầu, điều kiện tuyển dụng của LĐ thời vụ cũng không khắt khe như các chương trình khác. Cụ thể: Về độ tuổi từ 30 đến 55 tuổi, thường trú hoặc tạm trú từ 12 tháng trở lên tại Hà Tĩnh sang làm việc trồng các loại ngũ cốc, rau quả, sấm nấm, ươm mầm cây. Với thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, lao động được nhận tiền lương cơ bản thấp nhất 36 triệu đồng/tháng, nếu LĐ làm thêm giờ sẽ được nhận 150% mức tiền lương cơ bản.
Lao động đi làm việc theo chương lao động thời vụ sẽ được bố trí ăn, ở và cung cấp miễn phí đồ bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, LĐ được chủ sử dụng phía Hàn Quốc chi trả 1 lượt vé máy bay đi hoặc về Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng. Nếu trường hợp NLĐ bị ốm, cơ quan bảo hiểm Hàn Quốc chịu trách nhiệm trả chi phí khám, chữa bệnh trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh ký Biên bản ghi nhớ với Trường ĐHQG Kyungpook Hàn Quốc
Thị trường Hàn Quốc được đánh giá là thị trường hấp dẫn nhất và thu nhập cao nhất hiện nay, mức thu nhập bình quân của NLĐ tham gia các chương trình lao động tại Hàn Quốc như chương trình EPS, thuyền viên gần bờ sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đạt từ 25-30 triệu VNĐ/tháng, nhiều LĐ làm việc theo Chương trình VISA E7, lao động EPS ngành cơ khí đạt mức thu nhập 50-60 triệu VNĐ/tháng.
Nhu cầu lao động của Hàn Quốc trong thời gian tới nhất là nhu cầu lao động kỷ thuật và lao động sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong ngành nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về việc sử dụng LĐ nước ngoài, do NLĐ Hàn Quốc đi làm việc tại thành phố có thu nhập cao hơn; đồng thời LĐ người Trung Quốc, Thái Lan làm việc theo chương trình sẽ chuyển sang các chương trình khác hoặc về nước.
Ngoài việc mang lại thu nhập khá cho NLĐ, NLĐ làm việc thời vụ tại Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận, học tập, nắm bắt công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp. Những kỹ thuật, kinh nghiệm mà lao động tiếp cận được trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc sẽ áp dụng được vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại địa phương mình.
Ông Nguyễn Trí Lạc, GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh và Thị trưởng TP Pochoen trao đổi Biên bản hợp tác lao động thời vụ
Mặc dù thỏa thuận hợp tác về kinh tế, văn hóa, lao động, nông nghiệp giữa Thành phố Pochoen và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã được ký kết. Tuy nhiên, để đảm bảo LĐ Hà Tĩnh tham gia chương trình tuân thủ những quy định của Hàn Quốc, đặc biệt là nguy cơ NLĐ bỏ trốn hoặc hết hạn hợp đồng ở lại bất hợp pháp là rất cao.
“Phía bạn đưa ra điều kiện về tỷ lệ lao động bất hợp pháp không được vượt quá 10%, đây là thách thức đối với việc triển khai thực hiện chương trình này vì hiện nay tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của LĐ Hà Tĩnh là trên 40%. Trong khi đó, luật pháp Hàn Quốc không khuyến khích việc yêu cầu NLĐ thực hiện ký quỹ đi lao động thời vụ. Nhưng đây lại là giải pháp tối ưu của Việt Nam trong việc xử lý lao động vi phạm hợp đồng, lưu trú bất hợp pháp”, ông Nguyễn Trí Lạc cho biết.
Việc thực hiện Chương trình hợp tác lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc được Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn triển khai trong năm 2018, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình này. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục kéo dài và phải xin ý kiến nhiều bộ liên quan. Nên thời gian tuyển dụng LĐ sang làm việc tại Hàn Quốc không kịp thời với thời hạn tuyển lao động của phía bạn.
Ông Nguyễn Trí lạc – Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh trao quà lưu niệm cho Thị trưởng Thành phố Pochoen
“Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đang tiếp tục đàm phán với phía bạn về một số chi tiết đối với thỏa thuận lao động thời vụ sang thành phố Pochoen làm việc như vấn đề chống bỏ trốn, công tác quản lý LĐ, hình thức thanh toán tiền lương, công tác tuyển chọn LĐ và đào tạo tiếng Hàn theo quy định pháp luật của Hàn Quốc và Việt Nam. Chính vì vậy, ngoài UBND tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện tuyển dụng, đào tạo lao động theo chương trình hợp tác lao động thời vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giữa thành phố Pochoen và UBND tỉnh Hà Tĩnh là trái quy định”, ông Nguyễn Trí Lạc cho biết thêm.