Hà Nội: Triển khai nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu 90- 90- 90 trong phòng chống HIV/AIDS
- Y học 360
- 20:50 - 10/06/2022
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 31/1/2022, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống trên địa bàn TP. Hà Nội là 19.297; tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS 7.316; 100% quận, huyện, thị xã đều có người nhiễm HIV, 575/579 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (99,50%).
Quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai…các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, 10 quận huyện cao nhất chiếm 56,8 % tổng số trường hợp nhiễm HIV.
Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 1/2022 chủ yếu là nam giới 82,2%; tập trung chủ yếu tại nhóm tuổi 15-25 và 25-49 với tỷ lệ lần lượt là 22,2% và 68,9%, không có trường hợp thuộc nhóm tuổi dưới 15; đường lây chủ yếu là qua đường máu (26,7%) và quan hệ tình dục (57,8% ).
Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố duy trì, thực hiện công tác giám sát phát hiện theo quy định của Bộ Y tế, tổng số 22.175 người được xét nghiệm HIV tháng 1/2022, trong đó 13.305 trường hợp xét nghiệm tại các TTYT quận, huyện, thị xã, 8.870 trường hợp xét nghiệm tại các bệnh viện, phát hiện được 45 trường hợp dương tính, trong đó 21 trường hợp thường trú tại Hà Nội.
Duy trì các hoạt động chuyên môn như truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, tiếp cận cộng đồng và tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)... điều trị thay thế theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội tiếp tục phối hợp với các dự án, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, cơ sở y tế quận, huyện, thị xã triển khai mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng, tìm người nhiễm HIV đưa vào điều trị: sử dụng mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng phát hiện ca nhiễm HIV mới và tiếp cận tìm kiếm ca HIV cũ trong cộng đồng để kết nối điều trị; tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV, kết nối điều trị và báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng, quý; thực hiện triển khai thí điểm Hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV/AIDS; thực hiện triển khai giám sát trọng điểm trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm; rà soát, cập nhật chứng minh nhân dân của người nhiễm HIV lên phần mềm quản lý người nhiễm HIV;
Ban hành quy trình xác minh ca dương tính cho các dự án; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS; điều trị ARV sớm/điều trị ARV trong ngày cho những trường hợp được chẩn đoán nhiễm HIV; thực hiện xét nghiệm CD4, tải lượng HIV qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS; rà soát bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, tư vấn chuyển tuyến đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế là người ngoại tỉnh, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đúng tuyến về nơi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để sử dụng thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả; duy trì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại các cơ sở y tế nhà nước và cơ sở y tế tư nhân...
Phấn đấu đến năm 2023, Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2021, toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố. Có 478 cơ sở điều trị HIV, trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), hiện đang điều trị cho khoảng 161.000 người (hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT, chiếm khoảng 53%).
Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90 tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Mục tiêu 90-90-90 sẽ kết thúc vào năm 2025, tuy nhiên nếu không có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các mục tiêu này vẫn rất khó để hoàn thành.