THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:59

Hà Nội triển khai môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp

Tham dự buổi lễ có ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), đại diện lãnh đạo Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cùng hàng nghìn lao động.

Năm 2020, thành phố Hà Nội cũng như cả nước chịu sự tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dẫn đến người lao động bị thiếu việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai các chính sách về lao động - việc làm trên địa bàn thành phố.

"Trong nguy có cơ", đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của xã hội nhưng qua đó đã thúc đẩy, tạo cơ hội thay đổi, bứt phá cho cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin. Như Thủ tướng vẫn nói, cần biến thách thức thành cơ hội, do đó, đây cũng là cơ hội để xã hội đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: "Thúc đẩy tổ chức giao dịch việc làm, đặc biệt là giao dịch trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động có môi trường thuận lợi trong việc tuyển dụng, tìm kiếm việc làm là trách nhiệm, nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nói chung và hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm nói riêng".

Hà Nội triển khai môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi lễ.

"Việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm đã có nhiều cố gắng đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm, trong đó giao dịch qua môi trường mạng đã và đang góp phần đáng kể nhằm nâng cao hiệu suất kết nối cung - cầu trên thị trường lao động. 

Với mục tiêu xây dựng mạng thông tin việc làm, tạo lập bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người trên cả nước, hỗ trợ hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại 63 tỉnh/thành phố, dự án đã hỗ trợ xây dựng Cổng thông tin việc làm được kết nối và chia sẻ trên toàn quốc. Đây là hoạt động đặc biệt quan trọng, phù hợp với bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh số hóa trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip) là dự án do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đối tác Hàn Quốc thực hiện. Dự án là nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phát triển ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng trong nhiều lĩnh vực như đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội, bình đẳng giới, quan hệ lao động…. Đồng thời, cũng là mốc son của 29 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chương trình triển khai Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip) được xây dựng với mục tiêu nhằm đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động thông tin TTLĐ, mạng giao dịch việc làm, "tạo lập môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp", xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trực tiếp tương tác, kết nối thông tin việc làm, tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến… dữ liệu được kết nối và chia sẻ trên toàn quốc.

Hiện, hơn 2.000 doanh nghiệp đã đăng ký nhập dữ liệu tuyển dụng vào Cổng ESIP và sắp tới lao động thất nghiệp khi đến làm thủ tục lĩnh bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được hướng dẫn khai biểu mẫu về tìm việc trên ESIP để tìm kiếm việc làm phù hợp.

Ngay sau lễ triển khai đưa vào hoạt động, Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip), Trung tâm DVVL Hà Nội cũng tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề công nghệ thông tin năm 2021 nhằm hỗ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Tham dự phiên giao dịch việc làm có 50 doanh nghiệp, đơn vị với 1.427 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Đây là cơ hội thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm và học nghề phù hợp.

Hà Nội triển khai môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp - Ảnh 3.

Trong xu thế phát triển hiện nay, nhu cầu tuyển nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng tăng.


Ông Nguyễn Duy Thứ, Trưởng ban Công nghệ của Công ty Công nghệ Thăng Long, đơn vị tham gia tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm chuyển đề CNTT cho biết: Nếu khai thác hết tính năng, ESIP sẽ giúp người lao động tìm đến đúng công ty đang có nhu cầu tuyển dụng và cũng giúp doanh nghiệp tuyển đúng người đang cần. Đối với lĩnh vực CNTT, nguồn nhân lực luôn thiếu để đáp ứng công cuộc chuyển đổi số và triển khai Chính phủ điện tử. Tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề, công ty có nhu cầu tuyển dụng 30 vị trí nhưng vẫn chưa tìm được nhân sự như mong muốn. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đăng ký qua ESIP để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và mở rộng của doanh nghiệp.

Quang Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh