THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:05

Hà Nội: Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả và đúng quy trình

Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý tại cuộc họp giao ban trực tuyến triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội: Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả và đúng quy trình - Ảnh 1.

Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc chi trả đợt 1 cho các nhóm đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 được thành phố triển khai theo 2 đợt. Đến nay, việc chi trả đợt 1 cho các nhóm đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã cơ bản hoàn thành, còn một vài trường hợp chưa nhận do đang ở xa. Quá trình chi trả bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, được người dân đánh giá cao.

Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tại các hộ dân có đối tượng thụ hưởng. Tính đến 15/5/2020 đã kiểm tra được tại 6 quận, huyện như: Hoàng Mai, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Đông Anh, Hoài Đức. Kết quả, các quận, huyện đã tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách và tổ chức triển khai hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, được nhân dân và các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.

Việc rà soát 5 nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng đợt 2 đang được các ngành, địa phương nỗ lực triển khai, làm căn cứ đề xuất hỗ trợ. Đó là: Nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do); người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh cá thể; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 42; tổ chức gần 50 hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết 42, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 12-5-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Các xã, phường, thị trấn đã thành lập 492 hội đồng cấp xã để xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Qua đó, các địa phương đã tiếp nhận gần 24.000 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động tự do với hơn 22.000 hồ sơ; tiếp đến là hộ kinh doanh cá thể với hơn 1.200 hồ sơ…

Trong quá trình triển khai, các ngành, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để xác định chính xác đối tượng thụ hưởng. Chẳng hạn, việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, mà dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách.

Việc xác định lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập chỉ xác định riêng cá nhân họ, hay xét đến gia cảnh của gia đình cũng chưa rõ. Đối với người làm công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, khi xác định có xét đến việc chấp hành các quy định về sử dụng lòng đường, vỉa hè hay không, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đối với người sử dụng lao động muốn vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động phải có điều kiện đi kèm là bản sao báo cáo tài chính năm 2019 và quý I/2020. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có báo cáo tài chính quý, chỉ có báo cáo tài chính năm, vậy trường hợp này có thể dùng tờ khai VAT thay thế được không, cũng được nhiều địa phương đặt câu hỏi.

Trước những vướng mắc hiện hữu, các địa phương kiến nghị thành phố có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các nhóm đối tượng dự kiến được thụ hưởng gói an sinh xã hội, làm căn cứ cho các địa phương tiến hành rà soát, xét duyệt đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng, Hà Nội là địa bàn tập trung đông doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một lực lượng không nhỏ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Do đó, quá trình rà soát các nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ an sinh xã hội đợt 2 gặp phải khó khăn, vướng mắc là điều dễ hiểu, đòi hỏi các ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện.

Để việc rà soát các đối tượng bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các ngành, địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đồng thời phải thận trọng, tuân thủ đúng quy định của các cơ quan chức năng. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng theo dõi, đôn đốc các quận, huyện, thị xã triển khai chính sách hỗ trợ an sinh xã hội; tiếp tục tổng hợp ý kiến kiến nghị, từ đó đề xuất giải pháp triển khai phù hợp. Đại diện các cơ quan chức năng tại địa phương, nòng cốt là Ban Công tác Mặt trận, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực thi chính sách, từ khâu rà soát đến khâu chi trả tiền hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ dàng triển khai. Riêng các quy định có liên quan đến Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ do Văn phòng UBND thành phố xây dựng hướng dẫn chi tiết.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh