CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Hà Nội trên tầm cao mới

Từ thành Đại La chu vi chỉ 3.000 bộ vào năm 1010, Thăng Long - Hà Nội của năm 2015 bao gồm 30 quận, huyện, diện tích 3.344 km2, dân số 7,3 triệu người, mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn.

Núi Nùng, sông Nhị đang sánh vai cùng núi Tản, sông Đà trong một không gian văn hoá và tinh thần hoà hợp. Sau khi mở rộng, Hà Nội trở nên rất lớn về quy mô, đặc biệt quan trọng về mặt vị thế, vai trò, nhưng cũng rất phức tạp khi phải đối mặt giải quyết hàng loạt vấn đề nóng, bức xúc đang nảy sinh trong quá trình phát triển.

Vượt lên những khó khăn, thử thách rất gay gắt do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta, Hà Nội đang phát triển khá toàn diện, phát huy vai trò trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, công nghệ, kinh tế, đầu mối giao lưu quốc tế lớn, có sức thu hút, lan tỏa, tác động tốt đến sự phát triển của khu vực Bắc bộ cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Thủ đô.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Thủ đô.

Hà Nội chiếm 10% GDP, gần 20% thu ngân sách, 24% vốn đầu tư xã hội của cả nước. Việc Hà Nội đạt 3 chỉ số quan trọng năm 2014: Mức tăng trưởng GDP đạt 8, 8%, gấp 1,52 lần so với mức trung bình của cả nước; thu ngân sách 130.000 tỷ đồng, đạt 103% chỉ tiêu; lạm phát dưới 6%  trong khi vẫn bảo đảm an sinh xã hội là một nỗ lực rất lớn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Chưa bao giờ Thăng Long - Hà Nội được chứng kiến một cuộc kiến tạo vĩ đại như bây giờ. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được triển khai tích cực, diện mạo Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" đang từng bước trở thành hiện thực.

Những công trình bề thế, những khu đô thị hiện đại nối tiếp nhau mọc lên, từng làng quê thay đổi mỗi ngày trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới..., tất cả cùng kiến tạo diện mạo mới tươi sáng, tạo thành một sức vươn mới cho thành phố Rồng bay.

Đại lộ Thăng Long lớn nhất nước, dài 30km, rộng 140m, nối liền Thăng Long xưa với những vùng đất mới của Thủ đô mở rộng hôm nay. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như: Đường Văn Cao, đường 32, đường Cát Linh - La Thành - Láng, hệ thống kết nối đường vành đai 1, 2, 3, vành đai 2,5, 3,5 và một phần vành đai 4 hoặc đã hoàn thành, hoặc đang đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đường trên cao Thủ đô.

Đường trên cao Thủ đô.

Trong quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, dài tới  320km, có đoạn chạy trên cao, có đoạn xuyên xuống lòng đất, rồi đây có đoạn xuyên qua sông Hồng, Hà Nội đang gấp rút thi công, đầu tư các tuyến  Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên, Trần Hưng Đạo -  Nam Thăng Long...

Việc Hà Nội khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai 3 - tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên của nước ta- cùng với 7 cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm của Thủ đô đã góp phần quan trọng giải toả đáng kể ách tắc giao thông. 

Với cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng đẹp, lớn nhất Đông Nam Á bắc qua sông Hồng, dài 3,9 km, đường dẫn dài 4,5 km, bây giờ Hà Nội đã có 7 cây cầu lớn vươn mình vắt ngang sông Hồng, nay mai sẽ xây tiếp 3 - 4 cầu nữa nối đôi bờ sông Mẹ.

Như thế, trên chiều dài  hơn 40km chảy qua Hà Nội, sự hùng vĩ của sông Hồng đã được tô điểm thêm bằng những cây cầu mang dấu ấn lịch sử. Những cây cầu nối liền quá khứ- hiện tại- tương lai. Nhịp cầu-nhịp đời- nhịp sống.

Nhịp sống của những đời người hối hả mưu sinh, nhịp sống của một đô thị lớn thao thức chuyển mình, nhịp sống của một đất nước đã và đang gồng mình vượt qua bão giông lịch sử, nắm bắt vận hội vươn tới.

Trong những năm qua, các tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất vào Thủ đô đều được quan tâm đặc biệt và được tập trung các nguồn lực để xây dựng, nhưng cách làm, tiến độ, chất lượng, hiệu quả thì không phải tuyến đường nào cũng đáp ứng được yêu cầu và mong đợi.

 Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường cao tốc đầu tiên của nước ta, mới đưa vào sử dụng hơn chục năm, thời hạn gọi là “theo dõi lún” hết cách đây chưa lâu, thế mà Nhà nước đã phải đầu tư thêm 21.000 tỷ đồng để nâng cấp.

Nhà ga  T2 Nội Bài.

Nhà ga  T2 Nội Bài.     

Đại lộ Thăng Long từng được ca ngợi là “tuyến đường đẹp nhất Thủ đô”, khánh thành 4 năm trước, giờ đây chưa thể hài lòng, hiệu quả sử dụng chưa cao do Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các dự án lớn khác, nhất là “thành phố đại học” trong đô thị vệ tinh Hòa Lạc về cơ bản vẫn còn nằm trên giấy.

Thể hiện một tầm nhìn mới, 3 dự án lớn là cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài (vừa được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và nhà ga T2 sân bay Nội Bài vừa được đồng loạt khánh thành ngày 4/1/2015 đang được nhìn nhận như một chuỗi mãnh lực phía bắc sông Hồng, cửa ngõ trọng yếu nhất nối Thủ đô và đất nước với thế giới.

Từ mấy năm nay, Hà Nội đang hình thành một phong cách mới ngày càng rõ nét. Đó là xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, những việc nóng, bức xúc liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân, tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời. 

Năm 2012 là năm Quy hoạch, năm 2013 là năm Kỷ cương hành chính, năm 2014 là năm Trật tự, văn minh đô thị và định hướng này tiếp tục được triển khai trong năm 2015. Tất cả các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với một tinh thần và động lực mới, quyết tạo chuyển biến rõ rệt, làm cho gương mặt của Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày một sáng đẹp hơn.

Là điểm đến tin cậy của bạn bè bốn phương, với thế mạnh đặc biệt và tinh hoa hội tụ, Hà Nội đang trở thành đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng nhất của đất nước. Hà Nội - một Thủ đô phải chịu rất nhiều cuộc chiến tranh, nhiều cơn binh lửa để bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, nhưng là thành phố duy nhất ở châu Á- Thái Bình Dương được tôn vinh là “Thành phố vì Hòa bình” cách đây 15 năm, bởi  đây là những cuộc chiến tranh chính nghĩa, với tư tưởng xuyên suốt là hòa bình và đức tính hòa hiếu của người Việt Nam “dập tắt muôn đời lửa chiến tranh”, khép lại quá khứ mở ra tương lai.

Sau 60 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Hà Nội đang ở trên tầm cao phát triển mới. Ngọn sóng Thủ đô đang cuộn trào trong dòng chảy chung của Việt Nam, trở thành ngọn sóng đi đầu trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, vươn mình ra thế giới...

Mấy năm qua, trong tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Hà Nội vẫn là nơi thu hút đầu tư mạnh mẽ, có nguồn lực lao động dồi dào, chính sách đầu tư ngày càng cởi mở, cải cách thủ tục hành chính quyết liệt và đặc biệt là nhu cầu kiến thiết, xây dựng của Thủ đô rất cao.

Hà Nội tạo dựng quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn. 

Trong con mắt của bạn bè bốn phương, Hà Nội luôn là xứ sở của hòa bình, con người thân thiện, một Việt Nam có chế độ chính trị ổn định, quyết tâm hội nhập...

Hồ Quang Lợi

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh