Hà Nội, TP. HCM nợ hơn 4.100 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội
- Bài thuốc hay
- 03:39 - 09/02/2017
Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 và đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa được công bố, Kiểm toán Nhà nước tổng kết trong năm 2015, số tiền nợ đóng các quỹ bảo hiểm đến hết năm 2015 hơn 9.920 tỷ đồng, tăng 5,5% với số tiền nợ năm 2014.
Nợ chủ yếu đến từ các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc với 7.061,4 tỷ đồng; nợ đóng bảo hiểm y tế hơn 2.547 tỷ; nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 311,5 tỷ đồng và cuối cùng là nợ lãi với số tiền 1.428 tỷ đồng…
Báo cáo cũng cho biết, tình trạng nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành phố, doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ nhiều nhất, khoảng 5.160 tỷ đồng (hơn một nửa tổng nợ); doanh nghiệp Nhà nước nợ 964,2 tỷ đồng và số nợ đóng bảo hiểm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.202 tỷ đồng.
Hà Nội, TP HCM là hai địa phương có số tiền nợ đóng bảo hiểm lớn nhất, tương ứng 2.170 tỷ đồng và 1.945 tỷ. Tiếp theo là Bình Dương, An Giang và Đồng Nai... lần lượt 423 tỷ đồng; 227 tỷ đồng và 298,7 tỷ đồng.
Ngoài số tiền nợ đọng đóng bảo hiểm lớn, riêng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế Kiểm toán Nhà nước nhận thấy một phần ba số đơn vị (25/63 cơ sở khám chữa bệnh) bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với hơn 1.802 tỷ đồng. Con số này tăng thêm 7 đơn vị so với năm 2014.
Các cơ sở khám chữa bệnh tại các tỉnh đã cấp trùng 116.096 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách được ngân sách Nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, tương đương 54 tỷ đồng.
"Tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Một số cơ sở còn phát sinh chi trả không đúng chế độ quy định và còn hiện tượng lợi dụng chính sách bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh…", báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu.
Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện một số sai phạm trong quản lý tài chính quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Như khoản chi dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định hơn 8,6 tỷ đồng, trong đó khoản chi ngoài danh mục được thanh toán gần 2,3 tỷ; áp sai giá dịch vụ kỹ thuật 1,4 tỷ; thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng thực tế trang thiết bị của bệnh viện số tiền hơn 1,4 tỷ đồng…
Chi phí thuốc không đúng quy định khoảng 2,8 tỷ đồng; chi vật tư y tế không đúng quy định 2,6 tỷ đồng; tiền giường bệnh không đúng quy định 786 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương chưa giảm trừ khi quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 hơn 5 tỷ đồng...
Từ thực tế vi phạm về thanh quyết toán ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, số tiền thanh toán sai, vượt mức quy định lên đến hàng tỷ đồng. Đoàn kiểm toán đã giảm trừ thanh toán bảo hiểm y tế năm 2015 từ các cơ sở khám chữa bệnh gần 21,5 tỷ đồng, cộng với hàng trăm tỷ đồng qua giám định, thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại số cơ sở này.
Trong phần kiến nghị của mình, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bảo hiểm xã hội ngoài tăng cường giám sát, cần có biện pháp xử lý kịp thời và chế tài mạnh với các cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ bảo hiểm chung.