THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:18

Hà Nội: Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết đạt khoảng 28.500 tỷ đồng

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

 

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngay từ tháng 6-2018, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn định hướng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Đến nay, 30/30 quận, huyện đã thực hiện xong công tác chuẩn bị hàng hóa. Sở cũng xây dựng quy trình nắm bắt, tổng hợp, báo cáo thông tin thị trường hàng hóa và kịch bản ứng phó khi thị trường hàng hóa phục vụ Tết xảy ra biến động.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức nhiều buổi làm việc, hội nghị giao thương kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; phối hợp với các sở, ngành kết nối với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển các vùng sản xuất rau, thịt an toàn để cung cấp, tiêu thụ cho thị trường Hà Nội.
Qua đó, nhiều mặt hàng đã được khai thác, đưa vào hệ thống phân phối trên địa bàn để phục vụ nhân dân, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội, góp phần bình ổn thị trường. Dự kiến, số hàng hóa kết nối khoảng 30.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018). 
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ Tết dự kiến đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, chè, miến dong, bột sắn… tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp quản lý chợ, các Ban quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, dự kiến lượng hàng hóa đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với lượng hàng hóa dự trữ khoảng 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện rà soát được 35 điểm giới thiệu cho hệ thống Vinmart và Co.opFood để nghiên cứu phát triển điểm bán hàng cố định phục vụ nhân dân; rà soát 70 địa điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành xem xét phê duyệt.
Sở Công Thương tham mưu thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép cho 125 xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành vận chuyển bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Để bảo đảm cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về ATTP, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá trái pháp luật, việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…
Đánh giá cao vai trò của Hà Nội trong việc bình ổn thị trường, kiểm soát chỉ số CPI đối với tổng mức bán lẻ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông đề nghị, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả việc bình ổn thị trường; phối hợp chặt với các tỉnh lân cận tạo nguồn hàng ổn định, tránh tình trạng khan hàng tăng giá, tạo sự đa dạng nguồn cung trong dịp tết. Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong việc dự trữ hàng hóa, tuân thủ các quy định về ATTP.
Sở Công Thương chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu trên địa bàn thành phố; báo cáo ngay với Bộ Công Thương nếu có biến động để phối hợp triển khai ứng phó kịp thời. 
Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác phối hợp với các tỉnh để kiểm tra, giám sát nguồn hàng, từng bước xây dựng chuỗi, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm ATTP đến tay người tiêu dùng; đồng thời, kiểm tra, giám sát giá cả, ATTP tại các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ...

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh