CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:30

Hà Nội: Thông tin về giá nước sông Đuống

Chiều 12/11, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, trả lời câu hỏi về những thông tin liên quan đến giá nước sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã có những trao đổi với phóng viên.

Theo đó, ông Hà cho biết, năm 2017, thành phố Hà Nội có ban hành văn bản quy định giá bán nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống và lộ trình tăng giá bán nước. Theo đó, giá bán nước tạm tính là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá là 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá đang được áp dụng. "Căn cứ theo các quy định hiện hành, giá nước phải được tính đúng, tính đủ đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà đầu tư, song tại thời điểm 2017 dự án mới chỉ chuẩn bị khởi công, nên chưa thể đảm bảo việc tính đúng, tính đủ. Trong khi đó, việc xác định giá nước sẽ bao gồm các chi phí như; phần hao phí, khấu hao, lãi vay, chi phí sửa chữa, hoạt động, quản lý của doanh nghiệp… nên việc ban hành giá nước 10.246 đồng chỉ là mức tạm tính", ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.

Hà Nội: Thông tin về giá nước sông Đuống - Ảnh 1.

Toàn cảnh dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Lý giải về việc tại sao nước sông Đuống lại cao hơn nhiều so với nước do các đơn vị khác cung cấp, đơn cử như nước từ Nhà máy nước sông Đà, ông Hà cho biết, về nguyên tắc giá nước là giống nhau, nhưng giữa các nhà máy có khác nhau, khác từ công nghệ nên giá nước cũng khác nhau.

Nhà máy nước sông Đà, thời điểm đưa vào sử dụng tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.500 tỷ đồng, còn sông Đuống trong giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ, mức đầu tư khác nhau nên giá thành cũng phải khác nhau, đó là chưa kể đến chất lượng nước khác nhau. Ngoài ra, hiện nhà đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống đang vay khoảng 80%, và theo quy định khi dự án đi vào hoạt động, giá nước sẽ tính vào chi phí lãi vay...

Mặt khác, theo báo cáo của nhà đầu tư, hiện chi phi khấu hao của Nhà máy nước mặt sông Đuống chiếm khoảng 21% giá nước, tương đương khoảng 2.100 đồng; chi phí xử lý nguồn thải, chất phù sa khoảng 10%, tương đương 1.000 đồng; chi phí nguồn nguyên liệu, chất lượng nước thô… khoảng 12%, tương đương khoảng 1.200 đồng… những điều này khiến giá thành nước khác nhau.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Hà cũng thông tin, hiện các đơn vị có liên quan đang tạm thống nhất, nhà máy nước sông Đuống sẽ tạm tính giá cung cấp cho các đơn vị thứ cấp là 7.700 đồng, sau khi hoàn thành tất toán, giá nước sẽ được tính cụ thể.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện dân số Hà Nội khoảng 8,5 triệu người, nguồn cấp nước đảm bảo sinh hoạt cho người dân Thủ đô là hơn 1,1 triệu m3 ngày đêm. Do đó, đảm bảo việc cấp nước, an toàn nguồn nước rất quan trọng.

Hiện tại, thành phố đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, kép kín mạng nước, thường xuyên kiểm tra lấy mẫu đi xét nghiệm, nếu đơn vị nào chất lượng nước không đảm bảo sẽ nhắc nhở và nếu kéo dài sẽ tiến hành yêu cầu dừng lại. Đồng thời có kế hoạch, lộ trình thay thế hệ thống truyền dẫn đã xuống cấp để đảm bảo việc uống nước tại nguồn.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh