CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:31

Hà Nội thí điểm thu gom, tái chế vỏ hộp sữa

 

Tetra Pak đang thực hiện chương trình thu gom vỏ sữa tại nhiều tỉnh, TP.

 

Xây dựng thói quen tốt
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay đã có khoảng hơn 90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập tham gia chương trình Sữa học đường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, một lượng lớn vỏ hộp sữa được thải ra môi trường. Các chuyên gia cho rằng, nếu lượng vỏ hộp sữa giấy này được thu gom, tái chế, không những giảm được lượng rác thải mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như bàn ghế, tấm lợp sinh thái… Bởi vỏ hộp sữa giấy có cấu tạo rất đặc biệt, bên trong hộp là một lớp tráng nhôm và nhựa rất mỏng, có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái rất hữu ích. Còn phần vỏ bằng giấy có thể nghiền nát thành bột giấy và tái chế để sản xuất giấy in, bìa carton…

 

Thời gian gần đây, việc tái chế vỏ hộp sữa giấy đã được cộng đồng xã hội quan tâm cao bởi mang đến lợi ích kép vì mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà sản xuất và người lao động, vừa tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Theo số liệu thống kê của Tetra Pak Việt Nam, sau khi triển khai chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại TP Hồ Chí Minh năm 2018, DN này đã cắt giảm được 13% lượng khí thải nhà kính, mặc dù sản lượng bao bì tăng lên 19%. Công ty hiện cũng đang sử dụng 50% năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo, và với tốc độ này có thể hoàn thành mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện thành công việc thu gom và tái chế vỏ hộp sữa sau khi sử dụng như Nhật Bản, Thái Lan… Tuy nhiên, ở nước ta do không được phân loại tại nguồn, nên lâu nay vỏ hộp sữa giấy cùng với các loại rác khác, được thải ra môi trường để đốt hoặc chôn lấp. Chưa kể, sự chưa sẵn sàng của cơ sở hạ tầng thu gom và phân loại, việc phân loại và thu gom vỏ hộp sữa giấy cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách, nhất là ở nhận thức, thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân. “Để không bị lãng phí tài nguyên và cũng để đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng đồng hành với chương trình Sữa học đường, thực hiện Chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch và thực hiện phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, tại các trường học trên địa bàn TP. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của việc tái chế vỏ hộp sữa, bảo vệ môi trường. Thông qua đó, không chỉ giáo viên, phụ huynh mà trẻ em và cộng đồng cùng hình thành thói quen tốt từ những việc gần gũi và thiết thực hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là bước chuẩn bị cho hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP” – ông Lê Tuấn Định cho biết.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Được biết, Sở TN&MT Hà Nội là đơn vị chủ trì, kết nối các tổ chức, DN hỗ trợ và điều phối triển khai các nội dung chi tiết trong chương trình. Công ty TNHH Tetra Pak Việt Nam (Tetra Pak) - đơn vị cung cấp bao bì cho Công ty TNHH Sữa Việt Nam (Vinamilk) - đơn vị đã thực hiện trách nhiệm xã hội, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, hỗ trợ vận chuyển vỏ hộp sữa từ kho tập kết đến kho tổng đến đơn vị xử lý tại Bình Dương và tái chế. Quận Hoàn Kiếm sẽ là địa phương được chọn làm thí điểm đầu tiên Chương trình phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp sữa đã qua sử dụng.
Theo đó, các em sẽ được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa như cho ống hút vào trong hộp sau khi uống hết sữa, làm dẹp, gập nhỏ hộp lại và bỏ vào đúng nơi quy định, giúp tiết kiệm diện tích cũng như dễ dàng hơn cho việc thu gom. Vỏ hộp sau đó sẽ được thu gom định kỳ hàng tuần, chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như thùng giấy, tập vở, mái lợp hay thùng rác...
“Với việc làm đơn giản là xếp gọn và phân loại riêng vỏ hộp sữa giấy để thu gom tái chế sẽ góp một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng rác thải ra môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu, biến rác thải thành vật dụng có ích. Đồng thời, góp phần giảm chi phí xử lý rác và giảm tác động đến môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong cuộc sống hàng ngày” – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội chia sẻ thêm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh