THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:41

Hà Nội tăng giá nước sạch: Dịch vụ cấp nước có được cải thiện ?

 

Theo Quyết định số 38 của UBND thành phố Hà Nội, ban hành ngày 19/9/2013 về giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn, thì từ 1/10 giá bán nước nước sinh hoạt của hộ dân tăng lên 5.973 đồng/m3 cho mức 10m3 đầu tiên, mức trên 30m3 tăng lên 15.929 đồng/m3. Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Thế nhưng, tổng cộng trong 4 năm, kể từ khi đường ống nước sông Đà- một trong những đường ống cấp nước chính của Thủ đô đi vào vận hành năm 2012, đến nay đã 15 lần vỡ, điển hình năm 2015 liên tục vỡ đến 6 lần. Mỗi lần vỡ ống là hàng vạn gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Đơn cử, mới đây nhất, trong 2 ngày 25- 26/9, đường ống sông Đà liên tiếp xảy ra sự cố, khiến việc cung cấp nước bị gián đoạn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến gần 70.000 hộ dân trên diện rộng tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy... Trong khi đó, công tác khắc phục sự cố diễn ra chậm chạp, lại thiếu những phương án bổ sung cấp nước dự phòng.

Người dân hà Nội xếp hàng lấy nước. Ảnh: PA

Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)- đơn vị đang cung cấp nước cho hơn 100.000 khách hàng cho biết, việc tăng giá nước sinh hoạt sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ khách hàng nhiều hơn. Theo tính toán, giá nước sinh hoạt tăng trung bình hơn 20% so với mức giá hiện tại. “Với giá nước nước sinh hoạt theo lộ trình tăng từ tháng 10 này của Hà Nội, thì mức giá vẫn thấp hơn ở một số tỉnh, thành phố. Hiện nay chúng tôi không được bù lỗ về giá. Việc tăng giá bán sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh. Việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch doanh nghiệp lâu nay phải đi vay vốn trong khi giá bán không được quyết”, ông Việt nói.

Nhiều người dân cho rằng, họ sẵn lòng chấp nhận tăng giá nước, nhưng giá tăng, chất lượng cấp nước cũng phải tăng theo. Điều lo ngại là năm nào giá nước cũng tăng khoảng 20%, nhưng ống nước lại vỡ nhiều hơn. Trong khi đó, lý giải về việc tăng giá nước, phía các Cty nước sạch cho rằng, dù tăng tới gần 20% nhưng nếu trung bình mỗi gia đình sử dụng 15- 16m3 mỗi tháng thì sau khi tăng giá, số tiền trả thêm của mỗi hộ gia đình chỉ là 15.000-20.000 đồng/tháng. Để chứng minh, các Cty đưa ra hàng loạt lý do: Việc tăng giá được tính toán trên cơ sở các yếu tố thay đổi chi phí sản xuất kinh doanh. Trong đó có việc tăng do sự thay đổi cơ chế chính sách, biến động của thị trường, như phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần; chi phí điện từ 2010-2015 tăng bình quân 10%/năm; chi phí tiền lương từ 2009 - 2015 tăng bình quân 30%/năm... Như vậy, dù giá nước tăng thêm gần 20% vẫn chưa bù đắp lại được mọi chi phí, nên khó cho việc đầu tư mở rộng, mà chỉ sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đầu tư những hạng mục cơ bản trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Hiện, Hà Nội đã xây dựng đề án cấp nước trên địa bàn giai đoạn 2020 và 2050. Ông Lưu Quang Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội cho biết: “Thành phố đang cố gắng đầu tư để có thêm hệ thống cấp nước mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hệ thống hiện tại. Ngoài 2 tuyến do Vinaconex đang thực hiện, Hà Nội sẽ đầu tư triển khai một tuyến dự phòng thứ 3 với quy mô nhỏ hơn, giao cho Cty nước sạch thực hiện. Việc điều chỉnh giá nước theo lộ trình từ 2013- 2015 sẽ tạo điều kiện cho các Cty cấp nước trên địa bàn từng bước chủ động về mặt tài chính, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước, nâng cao năng lực hoạt động nhằm cung cấp thêm nguồn nước sạch cho nhân dân...  

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh