Hà Nội: Siết chặt quản lý di tích, quan tâm xây dựng văn hóa gia đình
- Văn hóa - Giải trí
- 13:52 - 10/08/2018
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục được tăng cường, kiểm soát tốt các lĩnh vực do ngành quản lý; không để xảy ra các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Sở đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 4 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó tham mưu Ban Chỉ đạo tiến hành giám sát việc thực hiện Chương trình tại 12 sở, ngành, quận, huyện; đồng thời ban hành Kế hoạch về việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Phong trào thể dục thể thao gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục phát triển sâu rộng, hướng về cơ sở, thu hút đông đảo quân chúng nhân dân tham gia. Thể thao thành tích cao của Hà Nội đạt được nhiều huy chương tại các giải đấu trong nước và quốc tế...
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có nhũng chuyển biến nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Việc triển khai thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử chưa rõ nét, chưa thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ, nhân dân Thủ đô.
Công tác tham mưu, quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực (như quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên đường phố, kinh doanh karaoke…) chưa được chủ động, quyết liệt, việc vi phạm và tái vi phạm vẫn còn tiềm ẩn. Đặc biệt, chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để phát triển văn hóa; nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời; công tác phối hợp với ngành Du lịch để phát triển, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, đặc trưng của Thủ đô còn hạn chế…
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, văn hóa - thể thao, cùng với giáo dục, y tế và lao động- xã hội... là những lĩnh vực có kết quả nổi bật từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020. Theo Bí thư Thành ủy, mỗi năm, trên địa bàn có khoảng 2.000 sự kiện văn hóa, thể thao của cả Thành phố và Trung ương được ngành Văn hóa và Thể thao tổ chức có hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao, cho thấy sự làm việc hiệu quả, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, văn nghệ sỹ, diễn viên... ngành Văn hóa Thủ đô.
Theo Bí thư Hà Nội, việc mở ra không gian văn hoá mới là phố đi bộ đã giúp cho quận Hoàn Kiếm tăng nguồn thu từ hơn 5.000 tỷ đồng/năm lên hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Điều này cho thấy, văn hoá là nền tảng, nếu được khai thác tích cực sẽ tạo động lực cho sự phát triển mạnh về kinh tế.
“Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội là động lực cho phát triển. Văn hóa thúc đẩy du lịch, thương mại, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng lớn và đòi hỏi ngày càng cao, do đó đội ngũ văn nghệ sỹ, diễn viên ngành Văn hóa Thủ đô cũng phải lao động sáng tạo hơn để tạo ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng”- Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Lưu ý về một số hạn chế còn tồn tại, những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy cho rằng, bạn bè trong và ngoài nước dành nhiều lời khen cho văn hoá của Hà Nội, nhưng cũng góp ý nhiều hạn chế còn tồn tại. Ngành Văn hoá và Thể thao phải tiếp thu nghiêm túc những góp ý đó để tập trung khắc phục. Đồng chí nhấn mạnh, phải khắc phục ngay tình trạng mất đoàn kết ở một số chi bộ; siết chặt quản lý di tích, trước mắt kiểm điểm nghiêm khắc các tập thể cá nhân liên quan đến sai phạm trong tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá (huyện Ứng Hoà); tăng cường phong trào thể thao học đường...
Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, những kết quả trong thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử thời gian qua mới chỉ là bước đầu, trong khi đây là công việc thường xuyên, lâu dài, không thể ngày một ngày hai, vì vậy, ngành văn hóa cần nỗ lực hơn nữa để đưa các bộ Quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống. Ông Hoàng Trung Hải cũng đặc biệt lưu ý phải quan tâm xây dựng văn hóa gia đình, bởi gia đình là tế bào xã hội. “Những hình ảnh đẹp về ứng xử trong gia đình cần phải được biểu dương, nhân lên, đưa vào thành nếp sống hàng ngày”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, bên cạnh việc chăm lo đến đời sống văn nghệ sỹ, quá trình thực hiện tự chủ, sắp xếp cũng phải rất thận trọng, có lộ trình phù hợp để bảo đảm duy trì và phát huy nghệ thuật truyền thống.