Hà Nội: Sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo đời sống cho nhân dân
- Tây Y
- 15:30 - 22/05/2023
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, trong năm 2022, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố rất quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện, vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của Thành phố đã tổ chức, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sớm ổn định đời sống nhân dân…
Tuy nhiên, trong năm qua, thiên tai diễn ra rất phức tạp với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Trên địa bàn thành phố đã chịu ảnh hưởng bởi 4 cơn bão (cơn bão số 2, số 3, số 4 và số 6); 13 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng; 22 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; 9 đợt nắng nóng… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
Qua báo cáo của các quận, huyện, thị xã, thiên tai đã làm 4 người chết (do sét đánh); 30 ngôi nhà bị ngập, sập đổ; gần 9.000ha lúa bị thiệt hại; gần 2.500ha hoa màu, rau màu bị ảnh hưởng; trên 200 cây xanh gãy đổ; trên 100 con gia súc và 36.500 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 2.400m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng…
Về sự cố, trên địa bàn Thành phố xảy ra 145 vụ việc (thiên tai 3 vụ, hỏa hoạn 133 vụ, cháy rừng 6 vụ, tìm kiếm cứu nạn 3 vụ khiến 21 người chết, 10 người bị thương; diện tích cháy (sập) nhà 27.979m2, cháy rừng khoảng 1,6ha, ước tính thiệt hại 37,709 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố xảy ra 355 vụ cháy (7 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 143 vụ cháy trung bình, 183 vụ cháy nhỏ, 10 vụ cháy rừng) hậu quả làm 21 người chết, 17 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 19 tỷ đồng; xảy ra 754 vụ tai nạn gia thông làm 378 người chết, 533 người bị thương.
Theo nhận định, tình hình thiên tai năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường về tần suất và thời gian xuất hiện; hệ lụy sẽ kéo theo các nguy cơ cao về các sự cố, thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình… Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, vấn đề ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn giao thông… là một trong những vấn đề cấp bách cần quan tâm trong năm nay và các năm tiếp theo.
Để làm tốt nhiệm vụ này, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các sở, ngành sớm hoàn thiện tổ chức tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2023.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra. Chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu, kịp thời phát hiện vi phạm, sự cố, nguy cơ gây mất an toàn; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa, tu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của nhân dân...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; phải luôn luôn chủ động, sẵn sàng và huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Công an thành phố tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể trong phòng cháy, chữa cháy, xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ. Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội chủ trì, phối hợp các địa phương phải rà soát quy hoạch thoát nước, các điểm ngập úng để xây dựng phương án xử lý toàn diện, trước tiên là nạo vét, khơi thông cống rãnh, điều tiết nước hồ điều hòa hợp lý… Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh phải kiểm tra, cắt tỉa cây xanh, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Sở NN&PTNT phải kiểm soát, không để xảy ra cháy rừng.
Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 31/5. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm cụ thể, phù hợp đặc điểm từng địa phương, đơn vị; đặc biệt lưu tâm kế hoạch, phương án ứng phó các loại hình thiên tai, sự cố thường xuyên xảy ra, phương án hộ đê, phòng cháy, chữa cháy điển hình như đợt mưa, lũ rừng ngang tại huyện Chương Mỹ hay cháy rừng tại huyện Sóc Sơn… Các cấp, các ngành chủ động nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo…