Hà Nội đảm bảo hạ tầng thông tin phục vụ phòng chống thiên tai
- Y học 360
- 19:11 - 30/10/2022
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn (PCTT&TKCN) Hà Nội, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 10 vụ thiên tai sự cố, khiến 8 người chết, 1 người bị thương, cùng với đó là những thiệt hại về tài sản, hoa màu vô cùng lớn, 2.990m đê, kè, kênh mương sạt lở, hư hỏng và một số thiệt hại về công trình, thiết bị khác.
Trước những hậu quả do thiên tai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của UBND Thành Phố, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, phương án PCTT và TKCN đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.
Cùng với các giải pháp trọng tâm, các cơ quan chức năng không ngừng tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT&TKCN, chú trọng áp dụng các biện pháp, giải pháp trực tuyến, gián tiếp (ứng dụng các trang mạng xã hội, trên thiết bị thông minh...) phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt lưu tâm đến công tác tập huấn, diễn tập cho các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và người dân ở các nơi có nguy cơ cao.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai, như: mưa, bão, lũ rừng ngang, ngập úng, sạt lở... sẽ tiếp tục diễn ra trái với quy luật; nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng cao. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, các sự cố cháy, nổ, sập đổ công trình, tình hình dịch bệnh Covid-19... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thiệt hại.
Trước thực tế trên, TP. Hà Nội và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, trong đó, có ngành TT&TT chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả; vừa đảm bảo giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai, sự cố, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.
Để đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác PCTT&TKCN của Thành phố trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ngành TT&TT Thành phố tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác PCTT&TKCN năm 2022.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ngành TT&TT Thành phố cho biết: “Trên cơ sở Kế hoạch 1136/KH-STTTT, ngày 13/5/2022, của Sở TT&TT, các đơn vị doanh nghiệp trong ngành TT&TT chủ động xây dựng phương án, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của các đơn vị, doanh nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, phương tiện ứng cứu, khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác PCTT&TKCN trong mọi tình huống”.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ huy sẽ tiến hành kiểm tra công tác tổ chức triển khai PCTT&TKCN tại các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, quản lý hạ tầng dùng chung trên địa bàn Thành phố nhằm bổ sung, khắc phục những thiếu sót, chưa sát thực tế để đảm bảo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Các đơn vị, doanh nghiệp bưu chính - viễn thông như: VNPT Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Viettel Hà Nội, Mobifone, Công ty cổ phần viễn thông FPT… cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT&TKCN của ngành TT&TT Thành phố năm 2022, đồng thời, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có mưa bão, sự cố thiên tai trên địa bàn Thành phố; phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị, doanh nghiệp sẽ báo cáo, đề xuất với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp để kịp thời chỉ đạo, xử lý.