THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:58

Hà Nội: Ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” tại cộng đồng

 

Các đại biểu tham dự buổi lễ ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” tại cộng đồng


Sáng 12/9/2018, tại Trung tâm tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (số 360 Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” tại cộng đồng.

Dự buổi lễ có ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH); bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH); ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Tại lễ ra mắt, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay, một bộ phận gia đình vẫn còn tình trạng bạo lực, bạo hành, tiềm ẩn ở một số gia đình có định kiến về giới, có người mắc các tệ nạn xã hội,… Đối với quận Hoàn Kiếm, một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ gây bạo lực trên cơ sở giới, tập trung chủ yếu tại các gia đình di cư từ các tỉnh, thành phố khác về quận làm ăn, sinh sống.

 

Ông Đinh Hồng Phong: Mô hình "Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh" nhằm nâng cao chất lượng phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng


Trước thực tế đó, Sở LĐ–TB&XH Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” tại cộng đồng để người dân, nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực hoặc người có nguy cơ gây bạo lực và con của họ; giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến (khi cần thiết) và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.

“Đây là mô hình thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng. Qua đó xây dựng gia đình phát triển bền vững theo các tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, ông Phong nhấn mạnh.

 

Ra mắt Ban quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” tại cộng đồng


Theo đó, để thực hiện có hiệu quả các nội dung, hoạt động của mô hình, ông Đinh Hồng Phong đề nghị, tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới mọi người dân trên địa bàn biết mô hình, địa chỉ và số điện thoại khẩn cấp của mô hình; đăng tải các nội dung hoạt động mô hình trên cổng thông tin điện tử của quận và phường.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cộng tác viên, tình nguyện viên, chủ các nhà trọ trên địa bàn, đặc biệt những phường có đông dân di cư tự do đến sinh sống.

Bên cạnh đó rà soát, lập hồ sơ các đối tượng là nạn nhân hoặc đã từng là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao bị bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn; tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân.

 

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) tặng hoa cho Ban quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” 


Đề nghị các cấp, các ngành nhất là các phường thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc bạo lực, bạo hành, xâm hại, lạm dụng phụ nữ và trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm; thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em, các chính sách đối với Phụ nữ và trẻ em theo quy định của Nhà nước.

Mô hình được thực hiện thí điểm đến 30/11/2018 và đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm để tiếp tục duy trì hoạt động của Mô hình (nếu có) trong những năm tiếp theo.

 

 

Các đại biểu tham quan mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” 

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh