Bán hoa quả phải đăng ký kinh doanh: Hàng rong lo kế sinh nhai?
- Y học 360
- 23:38 - 29/08/2017
Mỗi tháng, người dân Thủ đô cần 52.000 tấn hoa quả
Theo báo cáo của UBND Thành phố, Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối và 5 chợ hoạt động với tính chất đầu mối. Trong đó, hoạt động kinh doanh rau, củ, quả, trái cây, nông sản chủ yếu tập trung tại 3 chợ. Cụ thể, Chợ đầu mối phía Nam tại Khu đô thị Đền Lừ, tổng số 468 hộ kinh doanh, trong đó có 41 hộ kinh doanh trái cây. Trái cây bán trong chợ chủ yếu được chuyển về từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và các tỉnh phía Nam. Lượng hàng hóa lưu chuyển khoảng 5 tấn trái cây bán lẻ tại chợ và khoảng 150 tấn trái cây san mạn, hạ tải tại chợ để lưu chuyển về chợ Long Biên và các chợ khác.
Đối với sản phẩm trái cây, nhu cầu tiêu thụ của người dân TP. Hà Nội khoảng 52.000 tấn/tháng; trong khi đó, khả năng sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Do đó, hằng tháng lượng trái cây phải nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 7.800 tấn (15%) và nhập từ các tỉnh, thành cả nước khoảng 34.840 tấn.
Bán rong hoa quả trên đường phố Hà Nội.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hoa quả của Hà Nội còn tồn tại, bất cập. Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, hiện có 3 nhóm kinh doanh trái cây gồm: Các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng lớn chuyên kinh doanh trái cây; các chợ đầu mối, chợ dân sinh và các cá nhân bán hàng trên vỉa hè, lòng đường. Trong đó, xác định nhóm khó đưa vào quản lý nhất là nhóm thứ ba do những người tham gia bán hàng đều là lao động nông nhàn từ các tỉnh...
Lượng lớn trái cây nhập khẩu về Hà Nội được vận chuyển bằng nhiều phương thức khác nhau dẫn đến việc quản lý, kiểm soát trái cây gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các sản phẩm trái cây tươi không phải ghi nhãn hàng hóa và thực hiện thủ tục công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây, khó kiểm soát, thưc hiện…
Quản chặt thị trường hoa quả
Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành". Theo đó, một trong những mục tiêu Hà Nội hướng đến là quản lý hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư thuộc các quận nội thành theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện theo quy định.
Hầu như phố nào ở Hà Nội cũng có người bán hoa quả dạo.
Trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng... Xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, không chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; không đảm bảo điều kiện ATTP, trật tự đô thị. Phấn đấu trong năm 2018, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành.
Người bán hàng rong lo mưu sinh
Theo đại diện Sở Công Thương, cơ quan quản lý tạm chia các nhóm đối tượng kinh doanh gồm: Nhóm kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại; Nhóm kinh doanh tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; Nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường.
Nhiều người cho rằng, nhóm đối tượng quản lý khó nhất là những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè. Vì thế, trước mắt nên siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng này.
Chưa có nhiều người dân có thói quen mua hoa quả trong siêu thị.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ kinh doanh trái cây tại các chợ dân sinh, hàng rong vẫn chưa biết những nội dung của Đề án này. Chị Nguyễn Thị Thủy, 45 tuổi, quê ở Nam Định, hiện đang bán hoa quả ở vỉa hè đường Láng (Hà Nội) cho biết, chị chưa biết Đề án này của Thành phố nhưng nếu thành phố quyết dẹp bán hàng rong thì vẫn phải chấp hành. “Tôi cũng biết việc bán hàng rong vỉa hè là vi phạm quy định của thành phố nhưng vì "miếng cơm manh áo" nên vẫn phải bám vào để mưu sinh. Mỗi ngày đi bán hàng rong tuy vất vả nhưng kiếm được 100 -200 nghìn đồng/ngày. Tôi chỉ dám chi 50 nghìn đồng/ngày cho tất cả các chi phí sinh hoạt từ thuê nhà, ăn uống. Số tiền kiếm được còn lại tôi dành dụm để gửi về quê nuôi các con ăn học. Nếu không được đi bán hàng rong thì không biết làm gì để kiếm tiền nuôi con”, chị Thủy nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Hưng Yên) thẳng thắn cho rằng: “Bán hàng rong là sai quy định, nhưng bán hàng rong đỡ vất vả và thu nhập cao hơn nghề phụ hồ, sắt vụn. Nếu lệnh cấm được thực hiện thì chỉ có cách về quê làm ruộng”.
Không chỉ có người bán hàng rong, bán lẻ hoa quả tại các chợ dân sinh mà hiện nay số lượng người mua và bán hoa quả online qua các trang web khá nhiều. Việc quản lý những người này rất khó vì bên cạnh những người nhập hàng bán online thì không ít người lấy hàng từ gia đình, người thân quen sản xuất để bán không qua trung gian nên việc quản lý nguồn hàng càng khó khăn. Người bán và người mua theo niềm tin!
Còn đối với các nhà vườn trồng cây ăn quả thì đang như ngồi trên đống lửa bởi hoa quả sắp đến ngày thu hoạch, nếu “quản chặt” đầu ra thì liệu có bị ép giá. Bởi hiện nay, lượng hoa quả tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn rất ít mà chủ yếu tiêu thụ qua các đầu mối chợ dân sinh.
Liệu có “bắt cóc bỏ đĩa”?
Việc Hà Nội triển khai Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP. Hà Nội" nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng nhưng ngay cả người tiêu dùng lo lắng Đề án khó khả thi. Chị Đào Minh Ngọc (Cầu Gỗ, Hà Nội) cho rằng: “Đã nhiều lần Thành phố cấm bán hàng rong nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, cấm chỗ này họ chạy sang chỗ kia. Nếu Thành phố cấm bán hoa quả rong thì họ lại lén lút bán khi không có lực lượng kiểm soát. Không chỉ hoa quả bán rong không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng mà ngay cả thực phẩm “bẩn” trong đó có trái cây đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín. Việc thí điểm cửa hàng kinh doanh trái cây là điều cần thiết, tuy nhiên phải có tiêu chí, có cơ chế rõ ràng thì mới mang lại hiệu quả”.
Với nhiều người, biết mua hoa quả từ những gánh hàng rong hay chợ dân sinh không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng nhưng vì sự tiện lợi và thói quen nên chủ yếu chọn mua hàng qua những kênh này. “Hoa quả thường mua theo ngày để tươi và ngon nên tôi sáng nào đi chợ cũng mua ở chợ. Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP. Hà Nội" nhằm bảo vệ lợi ích cho người dân nhưng Đề án chỉ cho phép bán hoa quả ở các cửa hàng đảm bảo tiêu chuẩn thì người dân không thuận lợi khi mua hàng. Có cầu ắt sé có cung nên việc cấm bán hoa quả rong rất khó khả thi”, chị Dương Thùy Trang (chợ Châu Long, Hà Nội) nhận định.
Tại nghị định 78/2015 hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp 2014, Chính phủ đã quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. Hộ kinh doanh dưới 10 lao động thì đăng ký thành lập hộ kinh doanh tại UBND quận huyện. Tuy nhiên, với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ “có thu nhập thấp” thì nghị định nêu không thuộc diện phải đăng ký hộ kinh doanh (trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện) Theo nghị định 78/2015, cá nhân thuộc diện phải đăng ký kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. |