CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:17

Hà Nội: Phòng chống thiên tai gắn với bảo vệ thành quả và phát triển KT-XH

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCTT, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình PCTT. Các công trình khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Năm 2020, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN sát với thực tế theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích PCTT cơ sở với sự tham gia của 64.948 người. Lực lượng này được tập huấn, trang bị các kỹ năng đầy đủ về ứng cứu, hộ đê, cấp cứu người đuối nước; sơ cứu, cấp cứu người bị nạn…

Hà Nội: Phòng chống thiên tai gắn với bảo vệ thành quả và phát triển KT-XH - Ảnh 1.

Triển khai các dự án bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn TP. Hà Nội (ảnh mh)

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, để giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện đúng nguyên tắc "phòng là chính"; trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ""

Hiện nay, trang thiết bị, vật tư phương tiện tại cấp huyện, cấp xã tuy đã được trang bị, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế, nhất là trang thiết bị phục vụ quan trắc và cảnh báo thiên tai, lực lượng chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu. Việc đầu tư thực hiện Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai đồng bộ, do đó một số khu vực của các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai còn gặp bất lợi khi xảy ra mưa lớn, khi có lũ rừng ngang đổ về. Việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình PCTT còn hạn chế, chưa kịp thời, một số dự án thực hiện chưa đồng bộ do thiếu vốn.

Theo nhận định của UBND TP. Hà Nội, biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp, dự báo thiên tai trong thời gian tới sẽ rất cực đoan, bất thường; các loại hình thiên tai xảy ra với cấp độ rủi ro cao có thể lên tới mức thảm họa; rủi ro thiên tai được đánh giá sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống dân sinh, môi trường sinh thái và sản xuất kinh doanh trong phạm vi cả nước.

Để phòng, chống thiên tai có hiệu quả, bảo vệ những thành quả đạt được và bảo đảm phát triển KT-XH bền vững, TP. Hà Nội đã chủ động đề xuất nhiều nội dung, biện pháp trong kế hoạch PCTT Quốc Gia giai đoạn 2021-2025, như hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về xác định thiệt hai, mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai; trình tự, quy trình thực hiện thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ PCTT; cơ chế, chính sách, chế độ cho những người làm công tác PCTT và lực lược xung kích PCTT.

Thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các trường học và tới các cộng đồng dễ bị tổn thương. Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở phục vụ PCTT & TKCN. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Triển khai đồng bộ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo trên phạm vi cả nước.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, thực hiện đánh giá diễn biến dòng chảy, bùn cát và hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trong phạm vi cả nước. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Điều chỉnh, kéo dài thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế trao đổi kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai; thu hút vốn đầu tư, sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh