Hà Nội: Nỗ lực tạo sinh kế, giúp người dân ổn định trong bối cảnh dịch bệnh
- Dược liệu
- 14:15 - 22/10/2021
Chuyển đổi việc làm từ nguồn vốn vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh
Gia đình chị Đỗ Thị Mai Hương, 38 tuổi ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn vốn là gia đình thuần nông, quanh năm làm ruộng và chăn nuôi lợn nái, gà. Những năm gần đây, để gia tăng thu nhập cũng như có điều kiện chăm sóc con cái, chị Hương đi làm công nhân được 6 triệu đồng/tháng. Song mới vừa đi làm được 6 tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, công ty gặp khó khăn, nên phải kết thúc hợp đồng lao động.
Nghỉ ở nhà hơn 2 tháng, không có thu nhập, chị Mai Hương quyết tâm không đi làm công nhân nữa, ở nhà chăn nuôi lợn, gà, bò, trâu, bò, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, sau thời điểm COVID-19, ai cũng khó khăn nên chuyện vay mượn bà con họ hàng để mở rộng sản xuất là điều không khả thi. Không có vốn, với quy mô chăn nuôi hiện tại khó có thể bảo đảm thu nhập và trang trải trong gia đình, thế nên, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phục hồi SXKD đúng thời điểm, chị Hương đã mua được một cặp bò cái, bò giống vừa đa dạng hóa mô hình chăn nuôi, ổn định cuộc sống trong tương lai.
Một trường hợp khác ở thôn Vệ Ninh, xã Phù Linh là gia đình anh Đinh Hoàng Gia cũng phải buộc phải từ bỏ công việc nhân viên tiếp thị chuỗi thức ăn chăn nuôi với thu nhập 15 - 20 triệu/tháng vì dịch bệnh. Được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục khó khăn do COVID-19 của thành phố, anh Đinh Hoàng Gia cũng quyết tâm chọn lựa chăn nuôi bò làm kế sinh nhai khi dịch bệnh còn phức tạp. Đến nay, anh Gia đã bắt đầu quay trở lại công việc tiếp thị thức ăn chăn nuôi nhưng thu nhập giảm một nửa.
Hộ vay Lê Văn Bằng ở thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, kinh doanh cửa nhôm kính và nghề mộc. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 16, gia đình anh chấp hành tạm dừng hết hoạt động, 4 anh em làm công cho xưởng mộc của gia đình anh cũng nghỉ việc ở nhà. Đến nay, khi tình hình dần ổn định hơn, anh muốn quay lại sản xuất bình thường như lúc đầu nhưng vốn không có. Chính bởi vậy, việc được chính quyền địa phương, NHCSXH cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn từ ngân sách đại phương ủy thác đã giúp anh có nguồn vốn để giải quyết khó khăn, đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm nguyên vật liệu. Với các đơn hàng ngày càng nhiều, không chỉ gia đình anh được cải thiện nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống mà hiện còn đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. “Nếu không có nguồn vốn này thì cơ sở vẫn tiếp tục dừng hoạt động”, anh Bằng tâm sự.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Linh đánh giá: Nguồn vốn đã giúp cho người lao động bình tâm vượt qua đại dịch, khôi phục SXKD là công cụ giúp chính quyền ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, không để phát sinh hộ nghèo. Đến thời điểm này, số hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,49% trên tổng số hộ trên địa bàn xã. Mức vay chỉ 50 triệu đồng, thời hạn 2 năm có thể là ít so với nhu cầu thực tế. Song, trong bối cảnh nhà nhà cần vốn sản xuất, người người cần vốn để tạo và chuyển đổi việc làm, gói ủy thác 500 tỷ đồng của cấp ủy, chính quyền Thủ đô đặc biệt được người dân quý trọng và đón nhận.
Lan tỏa nhiều mô hình giúp doanh nghiệp hoạt động trong hoàn cảnh dịch bệnh
Để duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều mô hình giúp doanh nghiệp hoạt động trong hoàn cảnh dịch bệnh. Đáng chú ý là mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" đã được triển khai hiệu quả tại quận Hoàng Mai.
Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam có hơn 700 cán bộ, người lao động. Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, tổ an toàn Covid-19 của Công ty được thành lập ngay khi Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai triển khai, từ tháng 5-2021 và duy trì hoạt động hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, công ty triển khai thực hiện mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai. Với mô hình này hiện có 60 người làm việc "3 tại chỗ"; 100% người lao động được xét nghiệm hàng tuần; 95% người lao động được tiêm vaccine mũi 1 và 5% được tiêm vaccine mũi 2. Cùng với đó, công ty bỏ quy định bàn giao giữa 2 ca trực tiếp. Các ca làm việc không gặp nhau, ca trước về hết, ca tiếp theo mới vào; những vị trí nào có thể ăn tại chỗ thì sẽ nhận hộp cơm, không ăn tập trung.
Theo ông Chandan Singh, Tổng giám đốc công ty ABB Power Grids Việt Nam, việc thực hiện giãn cách đã khiến một số người lao động của công ty không vào được thành phố và những khó khăn do dịch bệnh khiến quy mô hoạt động giảm từ 20-25%. Tuy nhiên, công ty vẫn đảm bảo không người lao động nào bị giảm lương, kể cả những người không đến Hà Nội làm việc được do giãn cách.
Ông Chandan Singh nhấn mạnh, để giữ được quy mô sản xuất như hiện nay, công ty đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, từ tổ chức Công đoàn thông qua sự hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện mô hình "vùng xanh doanh nghiệp".
Cũng đang làm việc trong một doanh nghiệp được công nhận "vùng xanh doanh nghiệp", anh Hoàng Hữu Tuấn, quản lý một phân xưởng tại Công ty ICHI Việt Nam cho biết, trước dịch thu nhập của anh vào khoảng 15 triệu đồng; giờ ảnh hưởng của dịch giảm khoảng 10-15%. Hiện nay, công ty thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến", nên anh cũng như tất cả người lao động phải đăng ký cung đường đi và cam kết thực hiện đúng. Với bữa ăn trưa, công ty thực hiện chia hộp về các vị trí người lao động để đảm bảo giãn cách.
Ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty ICHI Việt Nam cho biết, với mô hình "vùng xanh doanh nghiệp", người lao động của đơn vị được xét nghiệm hằng tuần. Mỗi buổi sáng, các tổ an toàn Covid-19 đều có báo cáo tình hình, nếu phát hiện ai có yếu tố dịch tễ đều được công ty cung cấp que thử. Riêng với "1 cung đường 2 điểm đến", công ty yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm, chỉ từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại, tuyệt đối không gặp gỡ, tiếp xúc người khác…
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các quận, huyện Thủ đô cũng lên kế hoạch từng bước khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội ở trạng thái bình thường mới. Quận Hai Bà Trưng đã đề xuất thành phố phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21-9 theo quan điểm nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm, thường xuyên và gắn với phục hồi sản xuất, kinh doanh. Quá trình khôi phục sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn ứng biến linh hoạt với diễn biến của dịch Covid-19.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, hiện Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62.000 người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể.
Qua khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp gặp phải vấn đề khó khăn chung về vốn cho duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương, đóng bảo hiểm cho lao động, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, các chi phí liên quan đến xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành phố khác, việc sớm triển khai tiêm phòng vaccine cho người lao động, các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt… cũng là những vấn đề doanh nghiệp quan tâm.
Theo bà Ngân, ngoài việc tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine "phủ rộng" cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm và xử lý nhanh chóng khi phát hiện F0; hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất thông qua các gói hỗ trợ tài chính để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhưng việc trở lại sản xuất phải đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch, doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp sáng tạo để đảm bảo an toàn lao động được duy trì một cách bền vững. Huy động lực lượng chuyên trách để định hình, xây dựng, thực hiện và giám sát chiến lược trở lại nơi làm việc chính là điểm mấu chốt. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đánh giá bốn lĩnh vực sau trước khi đưa lực lượng lao động trở lại làm việc: Sức khỏe và an toàn, Loại hình công việc, Tài chính (Chi phí và doanh thu) và Nhu cầu của nhân viên.
PV
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ