THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:14

Hà Nội - Những mùa Đông ấm áp...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, làm việc tại báo Báo Lao động&Xã hội năm 2022 (Ảnh Mạnh Dũng).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, làm việc tại báo Báo Lao động&Xã hội năm 2022 (Ảnh Mạnh Dũng).

Niềm vui và thử thách

  Cuối năm 1994, tôi nhận được "lệnh điều động" từ Ban Biên tập: Ra Hà Nội tham gia làm các ấn phẩm báo Xuân (Dương lịch và Tết Ất Sửu 1995). Tôi khá bất ngờ, bởi dù sao cũng là "lính mới" vừa gia nhập làng báo Sài Gòn được hơn 1 năm, trong khi ngoài "đại bản doanh" đang có những tên tuổi "gạo cội" như: Lê Mạnh Tuấn, Nguyễn Hoàng Long, Lương Quang Lộc, Dương Xuân Nguyên cùng những tay bút đầy tiềm năng đang định hình phong cách như Nguyễn Thu Hằng, Đặng Minh Huệ... chưa nói đến những "sếp" vừa giỏi nghề, vừa uyên bác và có mối quan hệ rộng: Tổng biên tập Trịnh Tố Tâm, các Phó tổng biên tập Kim Quốc Hoa, Nguyễn Ngọc Niên.

Thật ra, tôi cũng từng tham gia làm số Báo Lao động - Xã hội Xuân đầu tiên vào Tết Giáp Tý 1994, nhưng chủ yếu là "chân điếu đóm" khi ấn phẩm này được "lên khuôn" tại Văn phòng đại diện TP. Hồ Chí Minh. Nhưng lần này, được điều từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, hẳn nhiệm vụ và trách nhiệm sẽ lớn, nặng nề hơn.

Tự hào và lo lắng là cảm giác rõ nét nhất của tôi khi cầm tấm vé máy bay để ra Hà Nội.

Ngay sau khi đặt chân tới tòa soạn ở số 2 Ngô Thì Nhậm (cùng biên tập viên Đỗ Ngọc Thạch và chuyên viên thiết kế Hà Giang), tôi đã "choáng" khi nhận được một chồng bản thảo xếp cao... hơn 1m! Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là đọc tất cả bản thảo để lựa chọn sơ bộ những tác phẩm có thể sử dụng trong hai ấn phẩm Xuân. Hồi ấy, hầu hết bản thảo gửi cho báo đều viết tay, ước tính không dưới 1.000 bài, đủ các thể loại, của phóng viên thì ít, mà đa số của cộng tác viên. Vì khi ấy mới cuối tháng 11 Dương lịch, còn 2 tháng nữa mới đến Tết, nên tôi quyết định dành 2 tuần đọc kỹ toàn bộ bản thảo.

Công việc mới mẻ này không hề đơn giản: Không chỉ lựa chọn bài viết theo số lượng cho từng ấn phẩm, mà còn phải phân loại để cân đối cho từng trang mục theo chỉ đạo của Ban Biên tập. Những trang mục nào còn thiếu bài, hoặc bài chất lượng chưa đạt thì phải báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo và đề xuất đề tài để giao phóng viên hoặc đặt cộng tác viên thực hiện.

Nhiệm vụ lựa chọn bài đặt tôi vào "thế khó", bởi một người chưa hẳn đã được khẳng định uy tín nghề nghiệp như tôi mà dám "cả gan" loại những bài báo của một số tay viết "có thương hiệu" rất có thể khiến tôi trở thành "đề tài đàm tiếu". Nhưng rất may, hầu hết tác giả đều tỏ ra cầu thị và bao dung, nên công việc của tôi không gặp trở ngại đáng kể nào.

Đúng kế hoạch, những bản thảo "đủ tiêu chuẩn" được sắp xếp gọn gàng theo từng trang mục để chuyển cho bộ phận biên tập. Còn nhớ, đó là những ngày trời Hà Nội trở lạnh, chúng tôi phải làm việc suốt từ 8h30 sáng đến chiều tối. Có nhiều hôm việc chưa xong, ba anh em chụm đầu bên chiếc máy tính và những tờ giấy A3 hì hụi làm đến gần nửa đêm... Công việc tạm ổn, ba anh em vào phòng họp của cơ quan trùm chăn kín mít. Giấc ngủ chập chờn khi hình ảnh những trang báo không ngừng lởn vởn trong đầu...

 Làm việc căng thẳng suốt gần 2 tháng trời, cuối cùng thì những trang báo cũng lên khuôn trong niềm vui mừng khôn xiết của cả tập thể tòa soạn, phóng viên, nhân viên. Chúng tôi rời Hà Nội vào chiều 24 Tết, khi hoa đào đã đỏ rực phố phường Hà Nội. Trời vẫn rét đậm, nhưng trong lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường...

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trao Bằng khen cho cán bộ, phóng viên báo Lao động&Xã hội (Ảnh Mạnh Dũng).

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trao Bằng khen cho cán bộ, phóng viên báo Lao động&Xã hội (Ảnh Mạnh Dũng).

Những kỷ niệm khó phai

Bắt đầu từ năm 1995 cho tới năm 2001, năm nào tôi cũng được điều ra Hà Nội để làm báo Tết, thường mỗi chuyến công tác kéo dài 1 - 2 tháng, có năm tới 3 tháng. Trong ngần ấy năm, nhiều sự kiện đã trải qua trở thành những kỷ niệm in đậm trong ký ức của tôi.

Đầu tiên là những cuộc gặp gỡ bất ngờ với những tên tuổi trong làng báo, làng văn đất Bắc. Vì "tá túc" ngay tại cơ quan nên thường tôi dậy sớm và là người đầu tiên có mặt tại khu vực tòa soạn làm việc. Tôi còn nhớ một buổi sáng cuối năm, khi đang lần giở tờ báo mới "ra lò" thì một người đàn ông gương mặt đôn hậu, chất phác bước vào phòng với phong thái tự nhiên như đã quen thuộc nơi này từ rất lâu. Ông cho biết vừa từ Hải Phòng lên thăm bạn bè, tiện ghé lại tòa soạn để hỏi về mấy bài thơ gửi đăng trên báo Xuân Lao động - Xã hội. Ông đọc cho tôi nghe một bài thơ mới viết xong - những câu lục bát dung dị, mộc mạc nhưng đầy gợi cảm, đi thẳng vào những tầng sâu nhất trong tâm hồn. Đến lúc ấy, tôi ngờ ngợ rằng đã từng bắt gặp hồn thơ đậm chất làng quê ấy từ đâu rồi và một cái tên chợt bật ra: Đồng Đức Bốn! Tôi "đánh liều" hỏi: "Có phải bác là Đồng Đức Bốn không?". Ông khẽ gật đầu. Kể từ đó, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi trở nên cởi mở, với đủ thứ đề tài...

Ngoài Đồng Đức Bốn, tôi còn may mắn được gặp gỡ nhiều người nổi tiếng khác, trong đó có các nhà văn: Bảo Ninh, Lê Lựu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên...

Làm báo Xuân, một trong những thách thức nhất là đặt bài viết của lãnh đạo cấp cao. Vào khoảng những năm 1997, 1998, Ban Biên tập giao cho tôi nhiệm vụ đặt bài viết của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho số báo Xuân. Tất nhiên, "đường đi nước bước" đã được các sếp "setup" rất chu đáo, với "đầu mối" là ông Trần Đình Hoan - nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khi ấy đang đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Tuy vậy, để một cậu phóng viên mới ngoài 30 tuổi, chưa có tên tuổi gì trong làng báo, có thể vào được đến "cửa" của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng hẳn là điều gì đó hết sức khó khăn. Nhưng vì nhiệm vụ, tôi phải "liều mạng" trình bày nguyện vọng với anh bảo vệ với đề nghị được trực tiếp gặp "chú Hoan". Dù đã được sự đồng ý của ông Trần Đình Hoan, tôi vẫn phải trải qua những thủ tục kiểm tra an ninh chặt chẽ trước khi vào phòng làm việc gặp ông để "nhờ" đặt bài của Tổng Bí thư kèm một phong bì tài liệu của Ban Biên tập gửi.

Vào những ngày cận Tết, việc đặt bài của lãnh đạo cấp cao là hết sức khó khăn, nhất là với một tờ báo còn non trẻ như Lao động - Xã hội. Nếu như không có "người nhà" làm ở vị trí trọng yếu thì nhiệm vụ ấy có thể coi là "bất khả thi". Dẫu vậy, ông Hoan cũng "cảnh báo" rằng, "Tổng Bí thư rất bận nên chưa dám hứa chắc" và tôi "chuyển lời nguyên văn" khiến mọi người đều hồi hộp, bởi thời hạn "chốt" nội dung đã cận kề. Thế rồi khoảng 3, 4 ngày sau, Tổng biên tập cho gọi tôi lên: "Bên Văn phòng Trung ương Đảng đã có bài của Tổng Bí thư, cậu qua nhận ngay mang về để kịp lên trang". Tôi tức tốc chạy đi. Cầm phong bì đựng bài viết ông Trần Đình Hoan đưa tận tay, tôi chỉ biết lí nhí "Cảm ơn chú!" rồi xin phép về...

Không chỉ có những kỷ niệm vui, mà những tháng ngày tập trung làm báo Xuân còn cho tôi không ít bài học "nhớ đời" về nghề làm báo. Sau nhiều năm đảm nhiệm nhiều vai trò trong nhóm biên tập báo Xuân, khi tôi không còn quá "sợ" khi phải xử lý những bài viết khó, kể cả những bài chính luận "đinh" hay những bài phóng sự có kết cấu phức tạp, nhiều tầng tư tưởng... Nhưng đôi khi, sự hấp tấp và chủ quan lại có thể dẫn tới những lỗi hết sức... ngớ ngẩn, ở vào tình huống mà "chẳng ai ngờ tới". Đó là lần mà hầu hết nội dung số báo Xuân năm 2000 - năm cuối của thế kỷ XX đã hoàn tất và "đóng gói" xong. Duy chỉ còn một bài khá quan trọng cần "chuốt" lại phần chapeau một chút. Tôi trực tiếp ngồi "gõ máy". Mọi việc xong chỉ trong... 30 giây, bản thảo được in ra và chuyển ngay sang nhà in. Tôi thở phào vì vừa hoàn thành một nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Tối đó, mấy anh em kéo nhau ra quán bia cùng chiêu đãi nhau một trận ra trò.

Thế nhưng hỡi ôi, sáng hôm sau cầm tờ báo trên tay, thì phần chapeau mà tôi "vừa viết vừa gõ" ấy bị thiếu một chữ - mà lại là chữ có ý nghĩa quan trọng, thiếu nó thì ý nghĩa của cả câu sẽ bị... hiểu ngược lại!

***

Bây giờ nhìn lại, mới thấy cứ qua mỗi kỳ tham gia làm báo Xuân là tôi lại thêm trưởng thành về nghề nghiệp - không chỉ trong công việc viết lách hay biên tập, mà còn rèn được thêm nhiều đức tính và thói quen rất cần cho người làm báo.

Tôi sẽ nhớ mãi những mùa Đông ấy, ở Hà Nội - những mùa Đông ấm áp và đong đầy kỷ niệm...

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh