CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:08

Hà Nội: Ngột ngạt cao ốc

Diện tích không gian công cộng 30cm2/người

Khu đô thị Linh Đàm từng được coi là một khu đô thị kiểm mẫu về không gian sống của Hà Nội với giải pháp quy hoạch và kiến trúc diện tích khoảng 160 ha trong đó 50% là mặt nước. Linh Đàm được coi là môi trường sống xanh mát, yên lành tốt nhất giữa Thủ đô ngột ngạt khói bụi thời điểm năm 2009.

Thế nhưng quy hoạch này dần bị băm nhỏ khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên khiến giao thông khu vực phía nam thành phố bị quá tải. Năm 2015, khi tổ hợp chung cư HH khu Tây Nam Linh Đàm với 12 tòa nhà được đưa vào sử dụng, khiến cho khu đô thị Linh Đàm không còn trở thành nơi đáng sống nữa, bởi diện tích cây xanh giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 4m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chí của đô thị kiểu mẫu mà Bộ Xây dựng ban hành (từ 7m2/người trở lên). Hệ thống hạ tầng xung quanh bị quá tải với hàng loạt bất cập phát sinh như: áp lực điện, nước, thiếu sân chơi, trường học, an toàn phòng chống cháy nổ…

Hà Nội: Ngột ngạt cao ốc - Ảnh 1.

Hà Nội ngột thở vì nhà chung cư.

Còn với khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được đưa vào sử dụng năm 2009 với khoảng 2.400 căn hộ, quy mô dân số trên 10.000 người, nhưng chỉ sau vài năm, hàng loạt chung cư khác cũng đã liên tục mọc lên. Hiện có khoảng 30 tòa cao ốc cao từ 10 đến trên 30 tầng với số dân tăng chóng mặt tại khu vực này. Hạ tầng khu đô thị quá tải, hầm đỗ xe không đáp ứng đủ nên vỉa hè, sân chơi của nhiều tòa chung cư trở thành bãi đậu xe.

Theo thống kê, diện tích không gian công cộng hiện nay của người Hà Nội rất hạn chế, tổng không gian công cộng bình quân đầu người chỉ 3 m²/người. Đặc biệt, khu vực quận Hoàn Kiếm chỉ 30 cm²/người. Trong khi đó, tiêu chuẩn thấp nhất mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra phải là 9 m²/người. Nhìn vào những con số này, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so các thành phố trên thế giới.

PGS, TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia (Trường ĐH Xây dựng) chỉ ra rằng, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, thật sự phục vụ đời sống hằng ngày của con người đang rất thiếu. Bà Loan lấy thí dụ: cả quận Thanh Xuân có diện tích gần 10 km², dân số gần 300 nghìn người, nhưng lại không có công viên cho người dân, đây là điều bất hợp lý.

Hạnh phúc của người dân hay GDP kinh tế?

Hiện nay, khi nhà cao tầng liên tiếp mọc lên, thành phố đang phải đối mặt sự ngột ngạt, khó chịu từ khói bụi, ô nhiễm môi trường, người dân thì lúng túng và bất lực với cơ hội tiếp cận không gian công cộng thì việc di dời các nhà nhà máy, cơ sở sản suất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành là giải pháp cấp thiết, nhất là gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố như vụ cháy Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang, quận Long Biên.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PPWG tại 39 nhà máy thuộc diện di dời nằm trong danh sách kèm theo công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch kiến Trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân cho thấy hiện mới có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng. Đáng chú ý là, trong số 21 nhà máy đã di dời khỏi khu vực nội thành Hà Nội có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề. Chỉ có hai nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác như đường trên cao và đại học tư nhân.

Hà Nội: Ngột ngạt cao ốc - Ảnh 2.

Thiếu không gian công cộng tại các khu chung cư.

Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt - Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu của người dân về không gian công cộng chưa bao giờ là "nguội". Thế nhưng, diện tích không gian công cộng của Hà Nội rất hạn chế. "Việc tăng sức khỏe cho người dân và giảm chi phí y tế là điều mà ai cũng nhìn thấy giá trị của việc không gian công cộng mang lại. Đây chính là kinh tế của sự hạnh phúc. Một khu đất mà có không gian công cộng thì giá trị khu đất đó cũng tăng lên. Giá trị này thuộc về người dân. Trong khi đó, khu đất chuyển đổi thành trung tâm thương mại thì lợi ích đó thuộc về một nhóm người. Đó là những doanh nghiệp, tập đoàn sở hữu khu trung tâm thương mại đó"- Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải nói.

Cùng quan điểm với Kiến trúc sư Hải về bài toán lợi ích kinh tế hay lợi ích xã hội, bà Loan cho rằng cho rằng, theo hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, Nhà nước đã có chủ trương và chính sách di dời các nhà máy công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm, và sử dụng không gian sau di dời để phát triển không gian công cộng. Sở dĩ có tình trạng một số nhà máy bị chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng như chủ trương nằm ở khâu giám sát chính sách.

"Đây là một vấn đề liên ngành, liên địa phương. Tôi nghĩ đây cần có sự nhìn lại quá trình triển khai tất cả các chính sách như thế này, nó đã bị vướng ở những khâu nào. Bởi vì tôi thấy những chính sách này xen lẫn cả các vấn đề địa phương và có rất nhiều tài sản, các công sở, nhà máy nó lại thuộc chủ quản của các bộ chủ quản chứ không thuộc Hà Nội", bà Loan nhấn mạnh.

Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải cho biết, không riêng Hà Nội, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã sử dụng phương pháp tạo quỹ đất để phát triển khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành. Vấn đề ở đây là cần có quy hoạch và thực hiện nghiêm túc quy hoạch, có tính đến yếu tố không gian xanh. Đặc biệt, chính quyền cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến, cũng như giám sát quá trình thực hiện các quy hoạch để Hà Nội trở thành thành phố đáng sống.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh