THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:46

Hà Nội mỗi ngày phát sinh hơn 6.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt

 

Đến 2020: Nhiều bãi rác không còn đất để chôn lấp rác
Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh khoảng hơn 6.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Con số này vẫn đang không ngừng gia tăng, trung bình khoảng 10 - 12% mỗi năm. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song hiện nay, cũng như nhiều đô thị, việc thu gom, xử lý rác thải của Hà Nội đang bộc lộ rất nhiều bất cập.
Hiện vẫn còn khoảng 20% chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực ngoại thành Hà Nội chưa được thu gom, xử lý một cách triệt để. Một số khu vực vẫn sử dụng các phương tiện thu gom rác một cách thủ công, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tại nội thành, mặc dù đã thu gom hầu hết lượng rác phát sinh hàng ngày, nhưng tình trạng đổ rác thải tùy tiện vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng.
Còn việc xử lý rác thải sinh hoạt ở Hà Nội hiện nay chủ yếu được thực hiện theo hai phương pháp: chôn lấp và đốt. Có tới 85 - 90% các bãi chôn lấp rác ở Hà Nội không hợp vệ sinh. Nhiều bãi rác như bãi rác Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải. Với tốc độ phát sinh rác thải như hiện nay, vào năm 2020, nhiều bãi rác ở Hà Nội sẽ không còn đất dành cho chôn lấp rác.

Phiên giải trình của HĐND thành phố Hà Nội

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, trên địa bàn huyện có dân số đông, bình quân mỗi ngày thải ra 150 tấn rác. Ngoài ra, còn rất nhiều cụm công nghiệp, trường nghề trên địa bàn.
Theo phân luồng rác trên địa bàn, rác được tập kết đưa về bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây). Từ đầu năm đến nay, còn tồn 16.000 tấn rác do bãi rác Xuân Sơn đóng cửa 4 lần. Trong khi đó, trên địa bàn huyện không có nhà máy xử lý nên rác đành được để yên tại chỗ, phủ bạt, từ đó gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, trên địa bàn quận còn tồn tại vài điểm tồn đọng rác. Vào giờ cao điểm 18-23h hằng ngày, nhiều người dân còn có ý thức kém, vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, xử phạt trên 220 trường hợp với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cũng thừa nhận, trên địa bàn quận vẫn còn một số điểm tồn đọng rác ở phường Cầu Dền, đường Trần Thánh Tông... Nguyên nhân là do quận chưa tìm được địa điểm làm trạm trung chuyển phù hợp và việc bố trí các thùng rác trên địa bàn còn thiếu.
Rác thải ùn ứ- Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, đặc biệt là một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, xả rác thải không đúng nơi quy định nhưng chưa được chính quyền quan tâm xử lý vi phạm. Tình trạng thiếu trạm trung chuyển rác, rác thải thu gom chờ vận chuyển phải tập kết trên đường gây ùn ứ, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Vấn đề công nghệ xử lý rác hiện nay còn lạc hậu, công nghệ không đảm bảo công suất.
Một số lãnh đạo quận, huyện chỉ rõ: Việc xử lý chất thải rắn xây dựng chủ yếu theo hình thức chôn lấp. Trong khi đó, một số bãi chôn lấp phế thải hiện đang trong tình trạng đầy, quá tải và chuẩn bị đóng bãi; tình trạng chất thải xây dựng không những đổ trộm mà còn đổ công khai gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân. Việc xử lý rác ở Hà Nội đã được quan tâm nhiều năm trước, cả về vấn đề công nghệ và vấn đề quy hoạch các khu xử lý rác. Do vậy, để tình trạng rác thải ùn ứ như hiện nay thì vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ và chính quyền các địa phương cũng cần phải được làm rõ.

Nhiều bãi rác ở Hà Nội đã trở nên quá tải

 Liên quan đến trách nhiệm, giải pháp, lộ trình triển khai các dự án về thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội thời gian tới, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền  cho biết, về mặt quy hoạch, theo Quyết định 69, toàn thành phố có 17 khu xử lý rác thải. Do yêu cầu thực tiễn, Hà Nội mới đây đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh bổ sung cục bộ Nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), nên đến nay, thành phố có 18 khu xử lý rác thải. Trong quá trình triển khai thực hiện, có 8 khu hiện hữu được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, với tổng diện tích 347,53ha; 2 khu đã có chủ trương dừng chôn lấp để trồng cây xanh (Kiêu Kỵ-Gia Lâm, Vân Đình-Ứng Hòa); 6 khu đang được tiếp tục đầu tư cải tạo với diện tích 330ha, trong đó trọng tâm vào 2 khu của Sóc Sơn, Sơn Tây. Còn lại, với 10 khu tiến hành xây dựng mới, có 6 khu đang được triển khai theo hình thức xã hội hóa; 4 khu chưa triển khai, sẽ tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư và tìm hướng đầu tư phù hợp. 
Về tình hình triển khai các dự án nhà máy trong các khu xử lý chất thải, ông Quyền cho biết, qua tổng hợp của Sở KH&ĐT, hiện thành phố có 20 dự án. Trong đó, 14 dự án đã có quyết định đầu tư, với tổng diện tích 170ha, tổng công suất 10.400 tấn/ngày, đến nay, mới có 5 dự án đi vào hoạt động.
“Các dự án lĩnh vực rác thải, đúng là có chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn để hạn chế tối đa việc chôn lấp, nhưng hiện còn nhiều khó khăn. Trước hết, do liên quan đến lĩnh vực này thực sự chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Về công nghệ thì từ lãnh đạo thành phố  đến lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện hết sức băn khoăn, cân nhắc trong viếc lựa chọn công nghệ sao cho tốt nhất, hiện đại nhất mà phải cân đối được nguồn lực. Đồng thời, liên quan đến giải phóng mặt bằng, các dự án này muốn triển khai nhanh cũng gặp nhiều khó khăn. Chính những điều đó đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải của thành phố”, ông Quyền lý giải.

HÀ CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh