THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:51

Hà Nội: Mạnh tay xử lý vi phạm về ATVSLĐ

Báo động tình trạng mất ATLĐ

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội, mỗi năm, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị và các công trường xây dựng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn xem nhẹ công tác này, coi thường tính mạng của người lao động, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, đặc biệt là trên các công trình xây dựng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 23 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm 25 người chết. Có thể kể đến 3 vụ TNLĐ nguy hiểm liên tiếp xảy ra trong tháng 5 vừa qua, trong đó có 2 vụ trên cùng tuyến thi công đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội do sập cần cẩu và một vụ tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Đặc biệt, vụ cần cẩu tháp đang vận hành bất ngờ đổ sập xuống khiến 3 người chết tại công trình xây dựng Tòa nhà Lilama (số 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai) xảy ra sáng 4/12/2015, lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn lao động trong thi công xây dựng hiện nay.

Hiện trường vụ sập cần cẩu tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội tháng 5/2015.

Đề cập đến nguy cơ tai nạn từ hoạt động cẩu tháp đang hiện hữu và rất khó lường tại các công trình xây dựng, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng phòng Quản lý và Giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, ngay sau sự cố sập cần cẩu tại công trường thi công đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào tháng 5/2015, Sở đã chủ trì tiến hành kiểm tra đột xuất, đồng thời  tổng kiểm tra tất cả các dự án xây dựng trên địa bàn có sử dụng cần cẩu tháp. Tại các thời điểm kiểm tra, nhiều chủ đầu tư không xuất trình được phương án sử dụng cần cẩu, không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thi công. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đình chỉ hoạt động và chỉ khi nào chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, được Sở Xây dựng chấp thuận tổng mặt bằng mới được tiếp tục thi công. Sở Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo tới tất cả các chủ đầu tư, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng phải đảm bảo đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn an toàn. Song, trên thực tế hiện nay ở Hà Nội, một số chủ đầu tư dự án đưa cẩu tháp vào hoạt động nhưng vẫn chưa xin cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền. Cách làm chủ quan xem thường pháp luật trên đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Coi thường tính mạng người lao động

Lý giải nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn thành phố, ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động trên, song một nguyên nhân đáng được lưu tâm là việc khai báo, thống kê TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) của một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, nên số liệu TNLĐ, BNN được khai báo chưa phản ánh đúng tình hình diễn ra trên thực tế, thậm chí một số doanh nghiệp có hành vi che giấu, không khai báo với các cơ quan chức năng khi có TNLĐ xảy ra; cơ chế quản lý người lao động là lao động thời vụ, lao động tự do, lao động nông nghiệp chưa rõ ràng nên việc đảm bảo ATVSLĐ cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa thực hiện. Bên cạnh đó, một số văn bản của các cơ quan Trung ương, thành phố ban hành chậm, thiếu nội dung hoặc có nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, có lĩnh vực chưa có chế tài điều chỉnh. Thành phố mới phân cấp cho các quận, huyện, thị xã nhiệm vụ về ATVSLĐ nên  kinh phí và biên chế cho việc tuyên truyền, phổ biến công tác này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu đồng bộ. Đáng lưu ý là phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa chú trọng đầu tư cho đảm bảo ATVSLĐ.

Ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về ATVSLĐ hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Các mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động. Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa mấy phát huy tác dụng, khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc chấn chỉnh vi phạm này. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận là việc xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi để cảnh cáo, răn đe những hành vi tương tự.

Cần tăng chế tài xử lý

Để ngăn ngừa tai nạn từ hoạt động của cẩu tháp, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, đây là loại thiết bị đặc thù để thi công những công trình cao tầng, dùng nâng hạ, vận chuyển vật liệu xây dựng. Vì vậy, Sở  Xây dựng cũng khuyến cáo các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật như quy định về an toàn, thực hiện cảnh giới cảnh báo, kiểm tra nhật ký thi công cầu cẩu tháp, chế độ định kỳ bảo hành. Trong mùa mưa bão, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải hạ cần cẩu tháp, tránh để khi xảy ra gió quá mạnh dẫn đến vặn cần cẩu tháp đổ.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, để xảy ra mất an toàn trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó là nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với các cấp chính quyền địa phương khắc phục ngay những nguyên nhân để xảy ra sai phạm. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng và người lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động tại các đơn vị, công trường xây dựng, xử phạt nghiêm minh những nhà thầu, đơn vị tắc trách, coi thường tính mạng người lao động để răn đe, ngăn ngừa vi phạm TNLĐ không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà trên tất cả các công trình xây dựng trong cả nước.

Trước thực trạng mất an toàn lao động còn phổ biến như hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, sâu rộng những văn bản hướng dẫn các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh; tích cực tư vấn cho người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức về ATVSLĐ; chú trọng công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với các DN có từ 200 lao động trở lên. Bên cạnh đó, thành phố phải tăng cường chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về nội dung này định kỳ, đột xuất một cách khoa học để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, đoàn phải dành thời gian tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động để lắng nghe ý kiến của từng đối tượng nhằm kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn chỉnh các văn bản pháp luật; kịp thời xử lý đúng pháp luật những vụ vi phạm nghiêm trọng; biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác ATVSLĐ...      

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh