THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:40

Hà Nội: Khó xử lý dứt điểm xe chở khách gắn mác hợp đồng

 

  Tình trạng xe chở khách “núp bóng” xe hợp đồng cần được xử lý nghiêm.

         

Trong 7 tháng năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội lập biên bản xử phạt 1.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình vận chuyển hành khách như tuyến cố định. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động vì bản thân các lực lượng chức năng cũng cảm thấy rất khó trong việc xử lý những vi phạm này.

Ghi nhận tại Văn phòng đại diện Công ty TNHH TM Đoàn Xuân, 64 đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), dù có biển cấm dừng, đỗ nhưng tình trạng xe ra, vào đón khách vẫn tấp nập. Vị trí của nhà xe nằm ngay lối lên - xuống cầu vượt trên cao nên việc trả khách tại điểm này thuận tiện nhưng gây mất an toàn giao thông. 

Còn tại số 180 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), đoạn Công viên Hồ Điều hòa Hà Nội, tình trạng xe dừng giữa đường đón, trả khách diễn ra công khai. Tương tự, đoạn từ đường Vành đai 3 (đoạn nút giao Mai Dịch - Phạm Hùng) dù dài chưa đầy 100m nhưng lượng xe khách rẽ ngang sang đường đón khách vẫn diễn ra hàng ngày. Nhiều văn phòng đại diện nhà xe ở Bến xe Giáp Bát những điểm này mọc lên như một "bến cóc" đón, trả khách.

Ông Lưu Minh Hưng- Đội phó Đội Thanh tra giao thông quận Thanh Xuân cho biết, hình thức lách luật của các nhà xe tương tự nhau. Hầu hết đều chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần và đủ: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép kinh doanh vận tải, hợp đồng với khách, lộ trình... khiến lực lượng thanh tra không thể bắt lỗi. Khi khách hàng có nhu cầu, sẽ có xe trung chuyển đón đến văn phòng đại diện hoặc tại địa điểm hẹn trước. Khách chỉ việc ký vào hợp đồng đã được nhà xe điền sẵn: Thời gian, số xe, số ghế, số hợp đồng... Điểm duy nhất mà lực lượng có thể xử phạt hành chính là lỗi đón, trả khách tại nơi có biển cấm dừng, đỗ. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều sẵn sàng nộp phạt, song cũng sẵn sàng tái phạm khi lực lượng chức năng vắng mặt. Một cán bộ thanh tra giao thông nêu thực tế, thời gian đầu khi lắp camera hành trình ở xe tuần tra của lực lượng chức năng thì bắt quả tang được nhiều xe dừng, đỗ đón, trả khách. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các đối tượng dùng mọi chiêu trò để tránh "mắt thần" của camera, nên việc xử lý ngày càng khó khăn.

 

 

 Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải xử lý vi phạm của xe Limousine ở quận Hoàng Mai.

   

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường-  Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, tình trạng xe chở khách gắn mác hợp đồng diễn ra thường xuyên trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu tập trung tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Yên Nghĩa và một số tuyến đường quanh khu vực các Quận. Theo quy định, các đơn vị chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết (khác hoàn toàn hình thức bán vé trong bến xe). Với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, doanh nghiệp phải thông báo tới Sở Giao thông - Vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh các thông tin: Hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách. Với các phương tiện vận chuyển dưới 9 chỗ (thường là loại xe Limousine) thì không phải thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển trước mỗi chuyến...

 Với những quy định này, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định, việc xử lý với xe Limousine là khó khăn nhất. Đây thực chất là xe hoán cải từ xe 16 chỗ xuống còn dưới 9 chỗ, được cấp phép hoạt động theo hợp đồng, không được vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định, không được vào bến chính thức. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp hoạt động tinh vi dưới mác văn phòng đại diện. Trong khi đó, trước mỗi trụ sở văn phòng lại thường không có biển cấm dừng, đỗ, dẫn đến việc xử phạt vi phạm rơi vào bế tắc.

Mới đây, Thanh tra Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề xuất Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với thực tế. Đồng thời đề nghị lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường quanh các bến xe, xử phạt "nguội" các phương tiện, doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách trên các tuyến phố có biển cấm dừng, đỗ. Đặc biệt, nghiên cứu cắm biển cấm dừng, cấm đỗ tại các tuyến đường có văn phòng đại diện của doanh nghiệp để hạn chế việc đón, trả khách. Biện pháp mạnh hơn là đề nghị cấp thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp nếu tái vi phạm. Mặt khác, cắm biển hạn chế hoạt động với xe vận chuyển khách dưới 9 chỗ quanh các bến xe, tuyến đường trung tâm thành phố.

 

 

Hành khách trả tiền khi lên xe du lịch trá hình xe chở khách.

  

Nhiều biện pháp là vậy, nhưng qua trao đổi thực tế, đại diện các đội thanh tra giao thông - vận tải quận, huyện đều cho rằng để xử lý được triệt để thì rất cần sự phối hợp từ các sở, ngành. Chẳng hạn, theo nguyên tắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp đủ điều kiện về địa điểm. Tuy nhiên, do không có quy định thẩm tra lại địa điểm được cấp phép có phù hợp với hoạt động vận tải hay không nên Sở Kế hoạch và Đầu tư không khảo sát. Nếu có sự phối hợp giữa các sở, ngành để cùng thẩm định một vị trí phù hợp thì sẽ chấm dứt tình trạng tương tự như một văn phòng đại diện tồn tại ngay dưới chân cầu vượt tại địa chỉ số 64 Nguyễn Xiển đã nêu ở trên.

Để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng cho hành khách và sự cạnh tranh công bằng trong việc kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Đề nghị Bộ GTVT có biện pháp xử lý nghiêm đối với xe chở khách gắn mác hợp đồng.

Đức Long (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh