THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:23

Hà Nội: Khó khăn trong xác nhận nhóm lao động tự do hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Khó rà soát

Chia sẻ về kết quả triển khai gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do Covid 19 theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Quyết Thắng – Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Thất cho biết, hiện huyện đã cơ bản hoàn thành chi trả gói hỗ trợ an sinh đến 4 nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn với 16.279 đối tượng. 

Tuy nhiên, với những nhóm đối tượng còn lại huyện đang tiến hành rà soát thống kê. Theo số liệu thống kê ban đầu từ các xã gửi lên, toàn huyện có khoảng 608 lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động (trừ các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, khu công nghệ cao Hòa Lạc) bị ảnh hưởng do dịch covid; các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trên địa bàn trong tháng 4 là 62.432 lao động.

Hà Nội: Nhiều vướng mắc xác nhận nhóm lao động tự do hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Quyết định 15 của Chính phủ.

Về những vướng mắc trong thực hiện Quyết định 15 của Chính phủ, ông Thắng cho biết, hiện Thạch Thất đang khó khăn nhất là nhóm đối tượng lao động tự do bị mất việc. "Theo như Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ qui định là lao động tự do bị mất việc làm nhưng lại là lao động phi nông nghiệp: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên thực tế ở nông thôn, nhiều gia đình có từ 1 đến 2 sào ruộng, do vậy người dân vẫn có thời gian làm nông nghiệp, nhưng thời gian họ lao động rất ít và thu nhập không đáng kể, chủ yếu thu nhập của họ từ những công việc phi nông nghiệp và thực tế trong thời gian giãn cách xã hội mọi công việc bị ngừng trệ, họ không có việc làm, không có thu nhập nhưng họ lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 15 nên cũng rất khó khăn. Đó cũng là những điều mà ở cấp huyện đang rất băn khoăn" – ông Thắng chia sẻ.

Cũng theo ông Thắng, khó khăn nữa liên quan đến lao động tự do: Quyết định 15 đưa ra công việc được hỗ trợ là chăm sóc sức khỏe. Nhưng lại không có hướng dẫn rõ ràng công việc nào sẽ được hỗ trợ. "Vậy các công việc như tẩm quất, massage, các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp có được không?".

Bên cạnh đó, có những người hộ khẩu thường trú ở xã nhưng lại đi làm ăn ở địa bàn xã khác nên rất khó để nắm bắt được thu nhập và công việc thực tế của họ như thế nào. "Chúng tôi cũng mong TP Hà Nội sẽ có những hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn về nhóm đối tượng lao động để cơ sở có căn cứ triển khai. Triển khai gói hỗ trợ cho các đối tượng này nếu không kỹ, không cụ thể mà nhầm người thì rất nguy hiểm. Do vậy, địa phương cũng xác định những việc gì làm được trước thì cố gắng làm thật nhanh, còn những gì để đảm bảo, chậm một chút nhưng mà chắc để khi gói hỗ trợ đến được đúng đối tượng phải thật sự yên tâm"- ông Thắng chia sẻ.

Hà Nội: Nhiều vướng mắc xác nhận nhóm lao động tự do hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Thạch Xá, Thạch Thất chia sẻ về những khó khăn của người dân thôn Tây Phương.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Thạch Xá, Thạch Thất cho biết, đối với xã Thạch Xá người dân chủ yếu làm xây dựng và nội thất, trong khi hai ngành nghề này lại không thuộc nhóm nghề như trong danh mục qui định nên việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này đang gặp khó khăn. Ngoài ra, xã còn có thôn Tây Phương người dân chủ yếu sống dựa vào những quán kinh doanh nhỏ phục vụ du khách đến thăm quan Chùa Tây Phương nhưng từ tết hết tháng 4 dương lịch người dân phải dừng việc bán hàng vì các di tích đóng cửa nhưng họ lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ nên cũng rất khó khăn.

Mong muốn có hướng dẫn cụ thể hơn từ Thành phố 

Cùng chia sẻ những vướng mắc về hỗ trợ nhóm lao động tự do, ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Đống Đa cho biết: "Trong các nhóm đối tượng được nhận trợ cấp từ gói 62.000 tỷ, nhóm lao động tự do là phức tạp nhất. Nhóm này hiện nay không khống chế độ tuổi, mới chỉ quy định hộ khẩu thường trú, mức thu nhập trung bình theo chuẩn nghèo năm 2016-2020. Nếu không quy định độ tuổi cũng sẽ có những bất cập, đơn cử như một người đã hết tuổi lao động nhưng vẫn bán hàng rong thì có được nhận trợ cấp theo nhóm lao động tự do hay không. Tương tự với những trẻ vị thành niên chưa đến tuổi lao động nhưng đã đi làm, hiện nay mất việc có được hỗ trợ hay không?".

Hà Nội: Nhiều vướng mắc xác nhận nhóm lao động tự do hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Thất trao tiền từ gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ đến gia đình bà Đỗ Thị Hồng ở cụm 7, thôn Cầu Liêu, xã Thạch Xá.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đan Phượng Đỗ An Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, huyện Đan Phượng đã tiến hành rà soát trên toàn bộ địa bàn, lập danh sách sơ bộ nhóm lao động, doanh nghiệp được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ. 

Theo đó, số lao động tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP: Tổng số 175 doanh nghiệp với 4.099 lao động. Số lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP (6 nhóm) tổng số 9.049 lao động theo các nghề: Bán hàng rong, bán hàng trên xe đẩy không có địa điểm cố định 3.050 lao động; thu gom rác, phế liệu 365 lao động; bốc vác, vận chuyển hàng hóa 1.280 lao động; lái xe mô tô 2 bánh, xe xích lô 818 người; bán lẻ vé số lưu động 10 lao động; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể thao, giải trí 3528 người; ngành nghề khác (làm cỏ thuê, mộc, đánh giấy ráp, sửa chữa, rửa xe, may mặc, hàn xì, nhân viên mầm non tư thục, gói bánh kẹo thuê..:  22.144 lao động.

Hà Nội: Nhiều vướng mắc xác nhận nhóm lao động tự do hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Cán bộ huyện Thạch Thất đến tận nhà trao tiền từ gói hỗ trợ của Chính phủ cho những đối tượng đau yếu, không đi lại được.

Nêu lên những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Quyết định 15 đối với nhóm lao động, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Đan Phượng cho rằng, tại Chương I của Quyết định 15 (hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương) về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện lại không nhắc đến "Hợp tác xã, trường mầm non tư thục, hộ kinh doanh...". Tại Chương II hỗ trợ hộ kinh doanh; không nêu các hộ kinh doanh chưa khai thuế, chưa đăng ký kinh doanh đây mới là nhiều hộ bị ảnh hưởng. Tại Chương IV về khó khăn vướng mắc chung là rà soát các đối tượng lao động tự do mất việc làm không có thu nhập thuộc nhiều lĩnh vực, điều kiện, tiêu chí một số lĩnh vực chưa rõ ràng, dễ sai sót.

Hà Nội: Nhiều vướng mắc xác nhận nhóm lao động tự do hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Huyện Đan Phượng triển khai chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đến người dân.

"Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị hỗ trợ cho các đối tượng kịp thời theo sự chỉ đạo nhằm giảm bớt khó khăn cho các đối tượng, huyện Đan Phượng đề nghị UBND thành phố, Sở LĐ-TB&XH có hướng dẫn cụ thể hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tránh mỗi quận, huyện làm một kiểu gây thắc mắc, đơn thư" ông Đông nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng: "Nhóm lao động tự do rất phức tạp, chúng tôi cần được hướng dẫn chi tiết, lao động tự do là những ai, nếu nói chung chung như vậy sẽ rất khó để xác định, hiện nay công tác rà soát nhóm này còn rất mông lung. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có rà soát chi tiết đến từng đối tượng".

NGUYỄN SÍU - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh