CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:44

Hà Nội hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động bị mất việc làm


Hà Nội hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động bị mất việc làm - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động

Tại Hà Nội có 1.379 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 với 36.319 người lao động bị tác động, mất việc làm, thiếu việc làm, trong đó có 323 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động.

Đấy là chưa kể các trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị ảnh hưởng đến thu nhập.

Trước thực trạng trên, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng kịch bản phòng chống dịch Covid-19 với 2 tình huống dịch có thể xảy ra; đồng thời cũng xây dựng kịch bản ổn định quan hệ lao động, an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn thành phố tương ứng với 2 tình huống dịch. Cụ thể:

Tình huống 1: Thành phố đã có trên 100 đến 1.000 ca mắc Covid-19, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Có trên 35.000 đến dưới 100.000 lao động thiếu và mất việc làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Đã có người lao động mắc Covid-19 và có nguy cơ lây lan tại một số doanh nghiệp.

Ở tình huống này, để đảm bảo ổn định quan hệ lao động, ANTT, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ thành lập 5 tổ công tác; các tổ công tác thường xuyên chỉ đạo, nắm tình hình quan hệ lao động trên địa bàn phụ trách, cử cán bộ ứng trực giải quyết những vấn đề phát sinh, theo dõi tổng hợp thông tin từ các cấp Công đoàn hàng ngày.

Đồng thời, các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ  sở sẽ tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng cấp để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, phải rà soát, nắm chắc số lao động bị ảnh hưởng, thiếu việc làm, mất việc làm, phân công cán bộ nắm bắt chặt chẽ tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có biện pháp giải quyết sớm; tổ chức đối thoại khi có phát sinh bất ổn về quan hệ lao động, không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công, gây mất an ninh chính trị, TTATXH.

Trước mắt, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội quyết định hỗ trợ 1.500 đoàn viên công đoàn, mức hỗ trợ là 1.000.000đ/người; ưu tiên hỗ trợ với những đoàn viên bị mắc Covid-19, nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, gia đình có cả 2 vợ chồng bị mất việc...

Tình huống 2: Đã có trên 1.000 người mắc Covid-19, khả năng dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 6/2020. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trên 1.000 đơn vị; số công nhân lao động bị ảnh hưởng trên 100.000 người, có công nhân lao động bị nhiễm Covid-19; Một số doanh nghiệp bị phong tỏa; công nhân lao động bị cách ly. Đã xảy ra một số cuộc đình công ở khu Công nghiệp và chế xuất.

Ở tình huống này, kịch bản ứng phó của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội là thành lập 15 tổ công tác; phân công các tổ công tác thường xuyên chỉ đạo, nắm tình hình quan hệ lao động tại các địa phương, hàng ngày cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình.

Đặc biệt, các cấp công đoàn phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền triển khai các biện pháp ổn định quan hệ lao động, tình hình ANTT trên địa bàn. Nắm bắt nhanh, kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của người lao động bị nhiễm, bị cách ly, có biện pháp ổn định tư tưởng những công nhân lao động phải nghỉ việc do doanh nghiệp bị phong tỏa…

Trước diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề xuất thành phố chỉ đạo sở LĐ-TB&XH, BHXH TP Hà Nội hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho công nhân lao động bị mất việc làm, giải quyết hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, hiện đã có gần 1.400 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, kéo theo đó là hơn 36.000 lao động bị mất việc, thiếu việc làm…

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh