Hà Nội hỗ trợ cho 1,82 triệu lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Dược liệu
- 17:52 - 06/11/2021
Đây là thông tin tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” diễn ra sáng 6/11/2021.
Về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, Thành phố duy trì tăng trưởng GRDP đạt 1,28%. Sang tháng 10, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc tăng thấp so với kế hoạch.
Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17,16 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài 1,21 tỷ USD. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao và 85,7% dự toán của Thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.
Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được Thành phố đặc biệt quan tâm.
Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Thành phố đã hỗ trợ cho 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; chi trả cho 1,09 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 2.684 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai chính sách đặc thù, đã thực hiện hỗ trợ cho 289 nghìn đối tượng với kinh phí 299 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà hảo tâm đã cùng chung sức hỗ trợ cho 1,07 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn với số tiền 317 tỷ đồng.
Thành phố cũng đã giải ngân và cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội với số tiền 476 tỷ đồng. Khẩn trương rà soát, miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế với số tiền hơn 22,6 nghìn tỷ đồng cho 38.000 doanh nghiệp, người nộp thuế; trong đó: 21,9 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn và 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đi đôi với thực thi kịp thời triển khai các chính sách an sinh xã hội, ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, Thành phố đã chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.
Với phương châm luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tại Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI ngày 19/10/2021, Thành phố đã tổng hợp 250 kiến nghị; một số nội dung đã được Thành phố giải quyết ngay; các nội dung còn lại đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị tiếp tục xem xét, giải quyết sớm.
Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành uỷ, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 01/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 quý IV năm 2021, năm 2022 và 2023.
Kế hoạch với 03 mục tiêu chính, đó là: Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách Thành phố. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển. Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.