CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:31

Hà Nội điều động, luân chuyển 3 Chủ tịch quận sau kiểm điểm

Sau kiểm điểm, Hà Nội đã quyết định luân chuyển, điều động 31 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó có 3 Chủ tịch UBND quận

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trên địa bàn Thành phố về phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ban Nội chính Thành ủy cho biết, trong quá trình thực hiện, Thành ủy Hà Nội đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 35 địa phương, đơn vị thuộc thành phố.

Sau kiểm điểm đã quyết định luân chuyển, điều động 31 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó, có 3 Chủ tịch UBND quận và một số lãnh đạo sở, ngành thuộc thành phố. 

Hà Nội đã chủ động thực hiện công tác luân chuyển cán bộ gắn với hạn chế, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Từ năm 2012 đến 2015, thành phố đã luân chuyển 130 cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 441 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đa số cán bộ luân chuyển đã phát huy tốt năng lực công tác.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp của Thành phố đã kiểm tra được 3.789 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó, có 1.435 trường hợp là cấp ủy viên các cấp.

Thanh tra Thành phố và thanh tra chuyên ngành đã triển khai 3.222 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý trên 2.596 tỷ đồng, trên 2.453 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, rút kinh nghiệm đối với 245 cá nhân, 314 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 39 vụ.

Riêng công tác phát hiện, khởi tố điều tra an tham nhũng, CATP Hà Nội đã phát hiện và khởi tố điều tra 213 vụ/541 bị can, tài sản thiệt hại lên tới trên 501 tỷ đồng, 428.300 m2 đất, thu hồi tài sản trên 167 tỷ đồng, 256.700 m2 đất…

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thành phố cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách thực hiện cụ thể. Qua đó, đã tiết kiệm trên 8.000 tỷ đồng trong quản lý sử dụng ngân sách; 1.449 tỷ đồng trong quản lý vốn đầu tư xây dựng…

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hà Nội kiến nghị với Trung ương cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, để mỗi văn bản luật khi ban hành phải có tính khả thi và sát với thực tiễn.

Trước mắt, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp.

Đồng thời, nghiên cứu, cụ thể hóa các hành vi tham ô, tham nhũng trong doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; tăng thẩm quyền cho các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng…

LUÂN DŨNG/Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh