Hà Nội đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo
- Dược liệu
- 14:11 - 19/11/2018
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2019 đưa tỷ lệ hộ nghèo từ mức 2,37% (năm 2016) xuống 1,2% thì đến nay, tỷ lệ này đã xuống dưới mức 1,2%. Cùng với quận Cầu Giấy, đến nay, Hà Nội đã có thêm quận Tây Hồ và Ba Đình không còn hộ nghèo. Quận Thanh Xuân cũng đang phấn đấu đến cuối năm nay không còn hộ nghèo. Các quận, huyện, thị xã khác trên địa bàn TP cũng đang tích cực triển khai các biện pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo, trong đó có hỗ trợ xây sửa nhà, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mô hình trồng chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì.
Đạt được kết quả trên, thành phố đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ hộ nghèo. Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đến hết tháng 10 vừa qua, thành phố đã hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 4.046 hộ nghèo. Bên cạnh ngân sách thành phố, một số địa phương đã chủ động huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ này.
Đáng chú ý, công tác giảm nghèo được một số địa phương rất chú trọng theo hướng đa chiều, bền vững. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao được triển khai giúp người dân thoát nghèo như các mô hình trồng và chế biến thuốc Nam ở xã Ba Vì; trồng chè, chế biến chè búp khô ở Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); chăn nuôi, làm du lịch ở An Phú (huyện Mỹ Đức)... Những mô hình này không những cho thu nhập tốt mà có giá trị bền vững, phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp của thành phố trong tương lai. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều ngành, địa phương còn tìm kiếm, huy động các nguồn lực khác để giúp hộ nghèo vươn lên.
Để công tác giảm nghèo thành phố đảm bảo nhanh và bền vững, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, các địa phương tiếp tục rà soát số hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ, tu sửa, xây mới nhà ở. Việc hỗ trợ vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế cần được tiếp tục thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, thành phố tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo. Đối với những hộ người tàn tật không thể thoát nghèo, chủ trương của thành phố là rà soát, điều chỉnh, đưa vào diện bảo trợ xã hội.
Người nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Đối với một số hộ có người tàn tật nhưng còn lao động chính khỏe mạnh, sở và các địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ tối đa để thoát nghèo.
Với mục tiêu đến cuối năm 2018, Hà Nội không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, UBND TP đã triển khai một số giải pháp chủ yếu. Trong đó, đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi bằng nguồn vốn do ngân sách Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cải tạo nhà ở. Song song với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên người nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng lao động để người học nghề xong có việc làm ngay với mức thu nhập cao hơn so với công việc trước đó. TP thường xuyên tổ chức các sàn và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo có nhiều cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, với quyết tâm chung của thành phố, các sở, ngành, địa phương, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống dưới 1% là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.