Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm, cần "bứt tốc" để kịp tiến độ
- Huyệt vị
- 15:42 - 17/07/2021
Nhiều dự án giao thông lớn, có vai trò quan trọng đối với hệ thống hạ tầng của Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm, cần "bứt tốc" để bắt kịp tiến độ.
Trong số hàng loạt dự án giao thông lớn của Hà Nội, 3 công trình trọng điểm gồm: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; hầm chui Lê Văn Lương đều đang được các nhà thầu nỗ lực đảm bảo tiến độ.
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, do tính chất đặc biệt quan trọng của đường Vành đai 2 đối với mạng lưới GTVT của Thủ đô, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư để khép kín đường Vành đai 2 theo quy hoạch và đang tập trung thi công hoàn chỉnh nốt đoạn từ Ngã Tư Vọng đến cầu Vĩnh Tuy để phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.
Để tránh việc hình thành nút thắt trên cầu Vĩnh Tuy sau khi hoàn thành tuyến Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy (bao gồm cả đường trên cao) thì việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết. Hiện dự án đã hoàn thành khoan 359/422 cọc nhồi; đổ bê tông 12/41 bệ trụ, 7/41 thân trụ; 48/198 phiến dầm Super T; dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án quý IV/2023.
Dự án Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, hiện đã gần như hoàn thành đoạn tuyến dưới thấp, giảm thiểu ùn tắc giao thông cho đường Minh Khai, công trường đã được thu gọn vào khu vực xây lắp đường trên cao. Đối với đường trên cao, đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã đưa vào khai thác, nhiều đoạn tuyến rải rác đến cầu Vĩnh Tuy đã đúc xong dầm, chuẩn bị kết nối toàn tuyến vào năm 2022.
Còn dự án hầm chui Lê Văn Lương hiện đã hầu như hoàn thành giai đoạn di dời các công trình ngầm nổi, đấu nối tạm để sử dụng hệ thống cáp điện, cáp thông tin và thoát nước hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trong phạm vi xây dựng hầm. Giai đoạn 2 thi công hầm hở và hầm kín cũng được bắt đầu thực hiện từ ngày 6/6, kéo dài khoảng 7 tháng, sẽ hoàn thành gờ chắn, tường chắn, một phần hầm kín và hầm hở trong phạm vi nút giao để có thể chuyển sang Giai đoạn 3 trong tháng 1/2022. Giai đoạn 3 các nhà thầu sẽ tập trung thi công các đốt hầm hở, hầm kín (2 đốt mỗi loại) còn lại và trạm bơm thoát nước, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong quý II/2022.
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, các dự án lớn đều đang trong giai đoạn cao trào, ban cùng nhà thầu đã nỗ lực hết sức, vượt mọi khó khăn để đảm bảo đồng thời đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình về đích đúng hẹn.
"Việc đưa các dự án hạ tầng giao thông sớm về đích vừa góp phần hoàn thiện, tăng cường năng lực mạng lưới giao thông của thành phố, giảm thiểu ùn tắc giao thông; vừa thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố nhằm đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. "Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kép đó lại không đơn giản, nhiều dự án giao thông lớn đang cần tháo gỡ khó khăn, tiếp sức để "bứt tốc" nhanh chóng" - ông Phan Trường Thành, chuyên gia giao thông nhận định.
Thực vậy, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy định của thành phố, các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội chỉ được phép thi công từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; các xe chở nguyên, vật liệu chỉ được phép vào thành phố từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Thời gian như vậy là khá hạn hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các khâu từ vận chuyển nguyên vật liệu, phế liệu đến thi công công trình. Nhiều nhà thầu cũng cho biết, do thời gian được phép vận chuyển nguyên vật liệu vào thành phố ngắn, nơi tập kết lại xe nên hầu như mỗi đêm đều không đạt khối lượng dự kiến, phải tăng xe tăng chuyến để bù vào các đêm sau đó.
Tính đến hết ngày 23/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách địa phương qua Kho bạc mới chỉ đạt 19,27% kế hoạch, thấp hơn 4,13% so năm 2020; tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vay nước ngoài kế hoạch năm 2021 đạt 8,24% kế hoạch. Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Hà Nội kiến nghị, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, sớm khôi phục tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương
Đại diện Sở GTVT Hà Nội phân tích, hiện nay, thành phố đang trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, học sinh - sinh viên đang nghỉ hè, cho nên mật độ phương tiện giao thông giảm, đủ điều kiện để có thể tăng tần suất, nới thời gian vận chuyển cũng như thi công tại các công trình giao thông lớn. Do đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND TP cho phép một số công trình giao thông đủ điều kiện được thi công ban ngày, trừ giờ cao điểm (sáng từ 6 - 9 giờ; chiều từ 16 - 19 giờ 30 phút) nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm công tác giải ngân vốn đầu tư công được giao năm 2021.
Sở GTVT cũng đề xuất xe chở nguyên, vật liệu và xe bê tông được phép vào thành phố từ 19 giờ 30 phút - 6 giờ hằng ngày, phục vụ công tác thi công, giảm chi phí cho các DN vận tải. Thời gian kiến nghị cho áp dụng các biện pháp này kéo dài đến hết ngày 31/8.