THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:47

Hà Nội đảm bảo an toàn công trình thủy lợi để phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành

Hà Nội có 8 tuyến sông (sông Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ, Cầu, Đáy, Tích và sông Nhuệ) phục vụ tiêu úng cho khu vực ngoại thành vào mùa mưa lũ. Hệ thống thủy lợi thành phố Hà Nội được phân thành 3 vùng, phù hợp với nguyên tắc quản lý nguồn nước theo lưu vực sông và phù hợp với việc phân vùng được quy định trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm: vùng hữu sông Đáy, vùng tả sông Đáy và vùng bắc Hà Nội. Về cơ bản, các tuyến sông và hệ thóng thủy lợi cơ bản bảo đảm khả năng chống lũ.

Tuy nhiên, Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, qua rà soát hiện trạng công trình thủy lợi và các vùng cho thấy, vấn đề về tiêu của vùng hữu sông Đáy chủ yếu là năng lực công trình đầu mối chưa đảm bảo, khả năng thoát lũ của sông Tích còn hạn chế.

Ở vùng tả sông Đáy, khả năng tiêu thoát của trục chính sông Nhuệ bị hạn chế, khi có mưa lớn, mực nước sông Nhuệ lên rất nhanh làm giảm khả năng tiêu thoát của toàn bộ khu vực. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.

Còn tại vùng bắc Hà Nội, khu vực miền núi và bán sơn địa (huyện Sóc Sơn) chủ yếu tiêu thoát bằng trọng lực, chỉ một số khu vực ven sông Cà Lồ, sông Cầu có các vùng trũng cục bộ phải dùng các trạm bơm tiêu động lực. Vấn đề về tiêu của vùng là hệ số tiêu công trình đầu mối thấp, khả năng thoát nước của sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê và sông Cầu Bây kém. Khi tỷ lệ đô thị hóa tăng trong những năm tới thì tình hình tiêu úng của hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê càng trầm trọng.

Diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.

Diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.

Trước những nguy cơ trên, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã xây dựng các kịch bản giả định và giải pháp chung khi có mưa dưới 300 mm trong 3 ngày vào giữa vụ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra; đảm bảo an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế; phối hợp tiêu thoát nước nhanh cho khu vực nội thành.

theo đó, Kịch bản 1: Mưa dưới 50 mm trong 1 ngày. Trong trường hợp này chưa phải vận hành hệ thống công trình tiêu úng; Kịch bản 2: Mưa từ 100 ÷ 200 mm trong 3 ngày. Trong trường hợp này phải đề phòng úng ngập với những chân ruộng thấp, tranh thủ tiêu nước đệm khi mực nước các sông còn thấp. Khi không tiêu tự chảy được phải đóng các cống tiêu dưới đê, vận hành hết công suất các trạm bơm, sẽ có một số diện tích thuộc các vùng trũng bị sâu nước, các công ty thủy lợi phối hợp với địa phương khoanh vùng, tiêu dần từ thấp lên cao, vận hành các trạm bơm tiêu cục bộ để tiêu nước.

Kịch bản 3: Mưa từ 200 ÷ 300 mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày. Đây là kịch bản mưa bất lợi, trong trường hợp này, các vùng tiêu phát huy hết khả năng tiêu động lực, khoanh vùng tiêu, có thể buộc phải có những biện pháp tình thế, chấp nhận thiệt hại cục bộ, khoanh vùng khép kín những lưu vực có khả năng chống úng hiệu quả, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, các hồ chứa nước. Với kịch bản này, giải pháp là tranh thủ tiêu kiệt nước đệm ngay khi có dự báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới, huy động toàn bộ các trạm bơm điện hiện có để chống úng kịp thời; tăng cường tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời và có biện pháp xử lý ngay giờ đầu sự cố, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hồ chứa nước.

Với các kịch bản trên, Sở NN&PTNT đã có các giải pháp cụ thể, đồng thời đề nghị Các công ty thủy lợi và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành an toàn, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình thủy lợi hiện có. Tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; triển khai việc sửa chữa các công trình chống úng, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; giải tỏa ách tắc dòng chảy trên các sông, trục tiêu, kênh; nạo vét, khơi thông bể hút các trạm bơm tiêu, vận hành thử các trạm bơm tiêu, các cống tiêu. Chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, nhân lực đáp ứng yêu cầu xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là đập, hồ chứa nước và hệ thống cống dưới đê.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh