Bắc Ninh: Chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo đời sống của nhân dân
- Tây Y
- 11:16 - 26/06/2023
Trước mùa mưa bão năm nay, các phương án ứng phó với thiên tai đã được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hoàn tất, với phương châm “4 tại chỗ”, phòng ngừa từ xa, từ sớm và lấy phòng là chính, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi có mưa bão xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có gần 200 km đê, 105 cống qua đê cùng hàng trăm công trình thủy lợi. Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và kinh phí của tỉnh, mặt các tuyến đê đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và công tác PCTT. Các công trình kè, cống, trạm bơm được đầu tư xây mới, nâng cấp.
Điển hình là trong mùa mưa bão năm 2020, mưa đá, dông lốc xảy ra trên địa bàn huyện Lương Lài làm gần 900ha lúa đến thời kỳ thu hoạch bị thiệt hại, làm giảm năng suất; 260 ngôi nhà, công trình công cộng bị tốc mái. Năm 2021, 2022, do ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão gây mưa lớn làm ngập úng một số diện tích cây trồng và một số khu đô thị, khu công nghiệp. Đồng thời, các đợt nắng nóng và không khí lạnh, rét đậm, rét hại tăng cường đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT và TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT - Cơ quan Thường trực và các ngành, địa phương liên quan đã khẩn trương tiến hành rà soát, xác định các trọng điểm về PCTT, nhất là về đê kè, công trình thủy lợi để có phương án cụ thể ứng phó, xử lý các sự cố. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án tu bổ đê điều, cải tạo, nâng cấp các trạm bơm cục bộ, sửa chữa các máy bơm bị hư hỏng… đảm bảo hoàn thành xong trước ngày 30/6/2023.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê cho toàn bộ lực lượng hộ đê ở cơ sở; xây dựng phương án phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực của Bộ CHQS tỉnh và Quân khu I sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, xử lý các sự cố về đê điều, công trình thủy lợi.
Đến nay, ngoài vật tư, phương tiện, trang thiết bị PCTT và TKCN của UBND cấp huyện, cấp xã, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chuẩn bị hơn 1 triệu chiếc bao tải, 5.000 rọ thép, trên 3.000 bạt chống sóng, hơn 19.000m3 đá hộc, 58 thuyền, xuồng máy… tập kết tại kho dự trữ của Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân về công tác PCTT và TKCN, đặc biệt là các quy định của pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, kỹ năng xử lý các tình huống về úng ngập, cháy, chập điện, gãy đổ cây xanh… thường xảy ra trong mùa mưa bão. Đồng thời, gắn trách nhiệm cho chính quyền cơ sở trong công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạp Luật Đê điều, Luật Thủy Lợi. Tính trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải tỏa 45 trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi để xây dựng lều lán, nhà tạm, đổ phế liệu, đất cát…
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, mùa mưa bão năm nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo chống úng ngập khi có mưa lớn, kéo dài đối với diện tích đất nông nghiệp, khu công nghiệp và tại các điểm dân cư có địa hình trũng, thấp.
Mặt khác, tiến hành nạo vét, khơi thông các kênh tiêu và bố trí bơm tiêu nước đệm ở các vùng trũng, đảm bảo khai thác hết công suất các trạm bơm khi có mưa lớn. Bên cạnh đó, thành lập Tổ thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tại Sở Nông Nghiệp và PTNT; phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn tập PCTT và TKCN huyện Yên Phong trong tháng 7/2023 cũng như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.