Hà Nội có 10 quận và 4 huyện không còn hộ nghèo
- Dược liệu
- 11:33 - 17/03/2022
Đầu năm 2021, toàn thành phố Hà Nội còn 4.463 hộ nghèo, tỷ lệ là 0,21%. Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nhất là người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững, tính đến hết năm 2021, thành phố giảm được 2.759 hộ nghèo, đạt 206% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,04%; 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, về đích trước 2 năm so với kế hoạch.
Theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 21/2 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 thành phố Hà Nội, cuối năm 2021, toàn thành phố có tổng số 3.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38%. Như vậy, theo chuẩn nghèo mới, tính đến đầu năm 2022, thành phố Hà Nội có 10 quận và 4 huyện không còn hộ nghèo, gồm các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân; các huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành Quyết định 887/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch giảm nghèo năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô thực hiện kế hoạch giảm 723 hộ nghèo. Cụ thể, 2 quận thực hiện kế hoạch giảm 6 hộ nghèo, trong đó quận Hoàng Mai giảm 5 hộ nghèo, quận Bắc Từ Liêm giảm 1 hộ nghèo.
18 huyện, thị xã thực hiện kế hoạch giảm 717 hộ nghèo, gồm các huyện: Ba Vì giảm 124 hộ nghèo, Phúc Thọ giảm 106 hộ nghèo, Mỹ Đức giảm 83 hộ nghèo, Chương Mỹ giảm 73 hộ nghèo, Thường Tín giảm 61 hộ nghèo, Thanh Oai giảm 55 hộ nghèo, Phú Xuyên giảm 50 hộ nghèo, Thạch Thất giảm 24 hộ nghèo, Ứng Hòa giảm 22 hộ nghèo, Quốc Oai giảm 14 hộ nghèo, Mê Linh giảm 8 hộ nghèo, Thanh Trì giảm 4 hộ nghèo và thị xã Sơn Tây giảm 10 hộ nghèo.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ các quy định của pháp luật, các chính sách giảm nghèo hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh.
Theo Kế hoạch, UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, tập trung ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Các sở, ban, ngành thành phố, trên cơ sở số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2022 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tham mưu các chính sách, giải pháp nhằm giảm mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để hộ tái nghèo. Cùng với đó là chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm, số hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trong năm; công khai kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương trên trang thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.
UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phát hiện hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm để hướng dẫn hộ gia đình đăng ký rà soát; quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh; quyết định công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn; cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo và công nhận hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã, phường, thị trấn đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định.