Hà Nội: Cho thuê hơn 30ha đất nội đô giá "bèo" chỉ hơn 1 tỷ đồng/năm
- Tây Y
- 23:42 - 14/02/2020
Cho thuê đất nội thành giá rẻ không tưởng
Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt xây dựng trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng có diện tích khoảng 98ha, được UBND TP. Hà Nội giao cho quận Hà Động triển khai xây dựng từ năm 2008. Mặc dù đến nay đã có 52,8ha được giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng đến nay dự án vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa được triển khai.
Trên cơ sở đề xuất của UBND quận Hà Đông về phương án quản lý khai thác sử dụng tạm thời đối với diện tích đất đã GPMB thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông, ngày 22/5/2015, Sở KH&ĐT TP. Hà Nội đã ban hành báo cáo với nội dung "chấp nhận cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm đối với diện tích đã GPMB với mục tiêu phục vụ thể dục thể thao, phù hợp với quy hoạch chung của dự án.
Cũng trong ngày 22/5/2015, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản chấp thuận cho UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng khai thác tạm, toàn bộ diện tích đã GPMB thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông, trên nguyên tắc đảm bảo mục đích phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao. Chỉ được phép xây dựng công trình tạm bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…). Không xây dựng công trình kiên cố, xây dựng công trình cấp 4, chiều cao 1 tầng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Trọng Đạt, Phó Giám đốc chi nhánh Trung tâm PTQĐ Hà Đông cho biết, hiện nay có 12 doanh nghiệp được thuê đất với diện tích hơn 30ha với mức giá 5.000 đồng/m2/năm, thu về ngân sách khoảng 1,1 đến 1,2 tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi được chấp thuận, UBND quận Hà Đông đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Hà Đông quản lý và ký hợp đồng cho các đơn vị thuê. Cũng từ đó toàn bộ diện tích dự án Công viên thể thao cây xanh đã được "xẻ thịt" làm nhà hàng, ki ốt, nhà kho,... và hàng loạt các công trình kiên cố, trái với quy định của UBND TP. Hà Nội.
Hàng loạt nhà xưởng, kho bãi được dựng lên kiên cố
Theo ghi nhân của chúng tôi, hiện nay trên dự án này, hàng loạt nhà xưởng, kho bãi được dựng lên kiên cố với những khung sắt lớn, bốn bề quây tôn kín mít, một số nhà hàng lớn còn được xây dựng kiên cố. Điều đáng nói Dự án công viên cây xanh Hà Đông chỉ cách trụ sở UBND quận Hà Đông hơn 100m, vậy phải chăng lãnh đạo quận Hà Đông cũng không hay?.
Được biết năm 2017, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố, nhưng cho đến nay, nhiều công trình được xây dựng kiên cố vẫn ngang nhiên tồn tại, không có dấu hiệu nào của việc tháo dỡ thu hồi.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Đinh Trọng Đạt, Phó Giám đốc chi nhánh Trung tâm PTQĐ Hà Đông cho biết, đối với những công trình vi phạm, UBND quận Hà Đông đã xử lý, và hiện nay tất cả các công trình "cơ bản đúng quy hoạch".
Cũng theo ông Đạt, chiều cao tối đa với các công trình là 6,5m, và không được xây kiên cố, không có cốt thép bê tông. Cũng vì là công trình tạm nên đều không có giấy phép.
Không rõ câu trả lời ""cơ bản đúng quy hoạch" của ông Đạt ở đây được hiểu như thế nào, khi phần lớn những công trình kiên cố, đồ sộ sai quy định, quy hoạch của UBND TP. Hà Nội vẫn tồn tại, còn những biện pháp xử lý, cưỡng chế dường như chỉ làm cho "đẹp hồ sơ".
Đặc biệt việc cho thuê đất với giá "rẻ mạt", với 5000 đồng1m2/năm, tổng thu 1 năm chỉ khoảng 1,1 đến 1,2 tỷ đồng cho hơn 30ha (tương đương với 300 nghìn m2) đã cho thấy ngân sách thu về cho Nhà nước đối với việc cho thuê như "muối bỏ bể". Điều này khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi liệu có liệu tiền có chảy vào túi ai trong việc cho thuê này, và giá thực tế cho thuê ở đây là bao nhiêu?.
Mặt khác, để xảy ra tình trạng trên thì liệu chủ trương "quản lý sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm" của UBND quận Hà Đông có phát huy tác dụng "ngược", khi để xảy ra hàng loạt vi phạm tràn lan. Nếu sau này khi triển khai dự án công viên thì liệu 52,8ha đất sạch, đã được GPMB liệu có trở thành "đất bẩn", phải tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng một lần nữa không, khi các doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại đây?.