THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:54

Hà Nội: Các làng nghề vẫn thờ ơ với an toàn vệ sinh lao động

 

Không sử dụng bảo hộ lao động

Những năm qua, làng nghề kim khí xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có tuổi đời hàng trăm năm, với trên 100 mặt hàng đang có mặt trên thị trường như: Tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng... đã tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng đa phần lao động ở làng nghề này từ chủ cho đến người làm thuê đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra khá thường xuyên. Trạm y tế xã Phùng Xá ghi nhận, trung bình mỗi năm có trên 100 ca TNLĐ làng nghề, phổ biến là rách da do tôn cứa, cụt đốt ngón tay...

Tình trạng này cũng diễn ra tại làng nghề cơ khí và gỗ mỹ nghệ xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai). Do thờ ơ với công tác ATVSLĐ nên mỗi năm ở đây xảy ra hàng trăm ca TNLĐ, nhiều trường hợp bị cắt mất cả bàn tay, bị mù hay thị lực giảm do mạt sắt bắn vào. 100% lao động làm việc tại nơi có tiếng ồn cao, không sử dụng phương tiện bịt tai, nút chống ồn... Ngay tại làng lụa nổi tiếng Vạn Phúc (Hà Đông), mặc dù vải lụa là mặt hàng dễ cháy, song hầu hết các gian hàng bày bán sản phẩm không có phương tiện phòng cháy chữa cháy. Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết: “Hiện Vạn Phúc có khoảng 700 máy dệt đang hoạt động tại 400 hộ dân, nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp lớn được trang bị bình bọt chữa cháy. Các hộ gia đình tự do kinh doanh, không ai quản lý nên chuyện phòng cháy chữa cháy vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát”.

Ô nhiễm làng nghề ở huyện Hoài Đức.

 

Ô nhiễm môi trường

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Quan trắc - Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội và điều tra của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn như: Làng nghề sơn mài Hạ Thái, bánh dày Thượng Đình, cơ khí Liễu Nội (huyện Thường Tín), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai), Phú Đô (quận Nam Từ Liêm)... cho thấy, môi trường nước, không khí, đất đai bị ô nhiễm nặng bởi các chất hóa học độc hại. Nguồn nước ngầm bị nhiễm nặng COD, NH4, phenol; hàm lượng Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Hầu hết ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc bởi các chất như SS, BOD5, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, coliform. Còn môi trường đất cũng bị nhiễm các kim loại nặng như đồng, kẽm...

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng trong các làng nghề là do hầu hết các cơ sở sản xuất, hộ gia đình chỉ đầu tư cho dây chuyền sản xuất và gần như không quan tâm đến việc xử lý chất thải ra sao. Tại khu vực sản xuất cũng như cống rãnh ở các làng nghề chế biến nông sản trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì... đều có lượng chất thải lớn, bốc mùi hôi nồng nặc. Các làng nghề như cơ khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), Nhị Khê (huyện Thường Tín), Phùng Xá (huyện Thạch Thất) không chỉ nguồn nước bị ảnh hưởng của nước thải từ công đoạn mạ, cán phôi thép mà không khí ở đây cũng đặc quánh bụi thép.

Tại các làng nghề dệt nhuộm Vạn Phúc (quận Hà Đông), La Phù (huyện Hoài Đức)... nước thải xả thẳng ra cống rãnh khiến nguồn nước chuyển màu đen đặc, bốc mùi nồng nặc... Bầu không khí tại các làng nghề sơn mài, mây, tre, giang đan cũng quyện đầy mùi dung môi sơn, hóa chất, làm giảm trí lực, thị lực và gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu, đường ruột... cho người trực tiếp sản xuất cũng như cư dân trong khu vực. Mới đây, một loạt ao cá tại các xã Phương Tú, Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) bị nhiễm nước thải từ làng nghề khiến cá chết hàng hoạt.

Giải pháp tăng cường ATVSLĐ trong các làng nghề

Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội, tình trạng mất ATVSLĐ và ô nhiễm tại các làng nghề tại Hà Nội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người lao động, gây ra các bệnh về tiêu hóa, mắt, hô hấp, bệnh ngoài da, tai, mũi, họng, thần kinh... mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội. Để tăng cường công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, cần phải có các quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Những cơ sở nào không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ thì không cho hoạt động. Bên cạnh đó, cần có sự kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn sức khỏe của người lao động. Với lao động tại các làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, việc khám sức khỏe phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Đồng thời, người lao động cần tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Mặt khác, các cấp chính quyền cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; tăng cường các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Được biết, từ cuối năm 2013, Tổ chức Lao động Quốc tế đã tài trợ xây dựng thí điểm mô hình ATVSLĐ trong làng nghề tại cơ sở sản xuất Sơn Đích (thôn Hưng Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín), trong năm tới sẽ nhân rộng ra các làng nghề khác trong thành phố. Và hiện tại, TP Hà Nội cũng đã giao cho Sở Công Thương xây dựng kế hoạch triển khai dự án “Hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề” với kinh phí 1.350 tỷ đồng. Cùng với Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2016, với phạm vi bao phủ cả đối tượng người lao động trong khu vực làng nghề. Hy vọng vấn nạn TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong khu vực làng nghề ở Hà Nội sẽ sớm được giải quyết.    

Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) có cuộc điều tra nguồn nước ở làng nghề bún Phú Đô, kết quả cho thấy, cứ sản xuất hơn 10.000 tấn sản phẩm thì có gần 77 tấn COD, hơn 53 tấn BOD5 và 9,38 tấn SS thải ra môi trường. Xét nghiệm mẫu nước thải tại Phú Đô cho kết quả, hàm lượng chất BOD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 4 lần. 

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh