THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:44

Hà Nội: Bệnh viện quá tải vì nắng nóng

Cả bệnh nhân, người nhà và y bác sĩ đều kiệt sức vì nắng

Nắng nóng khiến lượng người đến khám tại các bệnh viện tăng đột biến, nhất là người già và trẻ nhỏ. Tại  các bệnh viện như Nhi T.Ư, Đa khoa Xanh-pôn, Lão khoa T.Ư,  lượng bệnh nhân đã tăng từ 5 đến 10% so với những ngày trước. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận từ 3.000 tới 3.200 bệnh nhi đến khám, chữa bệnh, chủ yếu là bị viêm đường hô hấp, sốt vi-rút, tiêu chảy…

Tại bệnh viện Nhi TƯ, bệnh nhân ngồi chờ  khám trong cái nóng hầm hập. Càng về trưa nhiệt độ càng cao, trẻ em khóc quấy, người lớn mệt mỏi, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại. Người cầm quạt giấy, người úp khăn mặt ướt lên đầu, có người mua một ở hàng nước một ít đá lạnh cho vào khăn để xoa lên mặt, lên tay...Hết chỗ ở hành lang, nhiều người tìm ra các gốc cây, ghé đá để tránh nắng… Những ngày nắng nóng đỉnh điểm  bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, các bác sĩ, y tá hoạt động hết công suất, còn người nhà và bệnh nhi thì càng kiệt sức hơn vì nắng nóng. Gia đình chị Lan ở Gia Lâm mang cả hai đứa con lên viện. Đứa bé bị tiêu chảy, còn con chị thì tự nhiên mẩn ngứa khắp người- chồng chị Lan cho biết trong khi vợ anh vừa cho con uống sữa, vừa dỗ, vừa quạt cho con vì đứa bé nóng quá, quấy khóc ngằn ngặt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh viện là tuyến cuối nên luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải. Trong khi đó thời tiết vào mùa nắng nóng càng nhiều người đổ bệnh.

Bệnh viện Nhi luôn trong tình trạng quá tải trong những ngày nắng nóng

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp cho biết, số bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp tính, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…đã tăng 10-15% so với ngày thường. 

 Đáng chú ý,  tại một số bệnh viện đã tiếp nhận rải rác các ca viêm não, viêm màng não mủ.  Các bác sĩ cho biết, thời điểm này là mùa của bệnh viêm não, nắng nóng sẽ làm gia tăng lượng bệnh nhân và khiến căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn Tại khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm này đã có hơn  40 ca viêm não đang nằm điều trị. Khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận một số ca viêm não, viêm màng não mủ nhưng diễn biến nhẹ…

Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em, tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư cũng có rất nhiều người già phải nhập viện, mỗi ngày trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhaan phần lớn người bệnh cao tuổi đến khám vì mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

Đề phòng nhiều bệnh nguy hiểm do nắng nóng gây ra

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đợt nắng nóng cao điểm này vẫn chưa kết thúc, ít nhất đến ngày 6/6 nhiệt độ mới hạ xuống. Dự báo miền Bắc sẽ còn có nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ tăng cao. Các chuyên gia y tế dự báo, số lượng bệnh nhân có thể sẽ tăng vọt trong tuần tới, ngay cả khi đợt nóng kết thúc bởi lúc này, khi nền nhiệt thay đổi cũng là lúc cơ thể không kịp thích nghi nên càng dễ nhiễm các bệnh do virus, vi khuẩn.

Đặc biệt, các bác sĩ cảnh báo cần đề phòng một số loại bệnh nguy hiểm dễ xảy ra và bùng phát trong những ngày nắng nóng. Với trẻ em, cần đề phòng bệnh viêm não, viêm màng não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh nguy hiểm trong khi các triệu chứng khá giống với các bệnh khác và bệnh chỉ có thể được phát hiện nhờ các xét nghiệm và sự theo dõi của bác sĩ. Do khó phát hiện nên bệnh nhân thường nhập viện muộn, việc điều trị rất khó khăn và để lại những di chứng nặng nề.

Ngoài ra, với những đối tượng có sức đề kháng yếu như  người già, trẻ em hoặc những người phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần đề phòng hiện tượng sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ do nắng nóng.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng nhập viện vì nắng nóng

Do đó, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng.

Đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10-16 giờ bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng điều hoà và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25-27 độ C.

Cùng với đó, tránh sử dụng chất lỏng có cafein hoặc cồn, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Không uống nước chứa muối khi không có chỉ định của bác sĩ...

Hà Nội: Yêu cầu các bệnh viện giảm quá tải khu vực khám bệnh

Để giảm tác hại do thời tiết nắng nóng kéo dài, Sở Y tế Hà Nội mới đây đã yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với các cơ quan tăng cường tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống nắng nóng, vệ sinh môi trường phòng chống các dịch bệnh mùa hè.

Sở cũng yêu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ phương tiện đảm bảo việc chống nóng cho người bệnh; đồng thời giảm quá tải khu vực khám bệnh, thu viện phí, khám theo hẹn... để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Các cơ sở y tế chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; không để bệnh nhân nằm ghép; chú ý phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các cán bộ y tế cũng phải được tập huấn về các biện pháp cấp cứu, xử lý các trường hợp say nóng, say nắng…

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh