Gương sáng trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi
- Dược liệu
- 10:28 - 11/10/2023
Trẻ em gái chính là niềm tự hào của gia đình
Căn nhà bốn tầng khang trang được thiết kế khá đẹp ở Tổ dân phố số 12, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trưng bày rất nhiều tranh vẽ và các huy chương của hai chị em gái Vũ Minh Anh và Vũ Anh Thư. Cô chị Minh Anh (học sinh lớp 11D3 trường THPT Nguyễn Tất Thành – ĐH Sư phạm Hà Nội) và cô em Anh Thư (lớp 7C6 trường THCS Đoàn Thị Điểm), liên tục năm học nào hai chị em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc.
Cả hai em đều có năng khiếu hội hoạ được di truyền từ bố. Hai chị em tham gia nhiều cuộc thi hội hoạ ở các cấp và đạt giải cao. Chị Vũ Thị Nhuần, mẹ hai bé mỉm cười: Các con còn tham gia vẽ tranh ở trường để đấu giá từ thiện. Ngoài ra, các con cũng thường xuyên tham gia các dự án tình nguyện giúp đỡ và trao quà cho trẻ em nghèo vùng cao. Các con có một sở thích giống bố mẹ đó là đọc sách, vì vậy đến nhà sách, mua sách và cùng đọc sách cũng là một hoạt động thường xuyên mà cả gia đình thường luôn bên nhau mỗi tuần.
Chia sẻ về bí quyết nuôi dạy con, anh Vũ Tuấn Dũng mỉm cười: Với tôi, con trai hay con gái đều không quan trọng. Hai con gái của tôi rất tình cảm, ngoan ngoãn, thường xuyên tâm sự với bố mẹ. Tôi tự hào về các con và luôn nỗ lực làm điều tốt nhất cho các con. Ước mơ của các con là lớn lên trở thành con người có giá trị và có thể đóng góp được nhiều cho xã hội và giúp đỡ bố mẹ.
Nhiều năm nay, hai chị em Vương Thị Ngọc Lan, học sinh lớp 8 trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Vương Thị Thuỳ Linh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Minh Khai đều là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Mỗi ngày, Ngọc Lan tranh thủ thời gian học tập ở trên lớp, tiếp thu bài giảng của thầy cô truyền thụ để về nhà còn có thời gian giúp đỡ việc nhà và kèm em gái học tập tiến bộ. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, bố làm xe ôm tự do, mẹ may gia công ở nhà, cả bố mẹ đều sức khoẻ yếu, nhiều bệnh tật nhưng tổ ấm của Ngọc Lan, Thuỳ Linh luôn đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc. Chị Từ Thị Bảy, mẹ hai em cho biết, gia đình còn khó khăn nhưng anh chị luôn cố gắng để hai con ăn học. Dù sinh con gái, cũng từng bị mọi người khuyên “sinh thêm đứa con trai” nhưng anh chị vẫn quyết định dừng lại ở hai con để nuôi con tốt, dạy con ngoan.
Đại diện cho các trẻ em gái tiêu biểu của Hà Nội được biểu dương trong dịp Ngày quốc tế Trẻ em gái 11/10 năm 2023, em Phùng Thị Hà Vi - học sinh lớp 9A Trường THCS Tô Hoàng chia sẻ về quá trình học tập chăm chỉ, rèn luyện của bản thân cũng như sự quan tâm, động viên của gia đình. Các năm học liên tiếp Vi là học sinh giỏi, xuất sắc, em có năng khiếu vẽ tranh và tích cực tham gia các phong trào từ thiện; Tham gia Bước nhảy thiện nguyện để gây quỹ ủng hộ trẻ em vùng cao xây dựng trường, và đóng góp tích cực trong phong trào khuyến học của nhà trường. Em gái Bảo Khánh đang học lớp 7C cùng trường với chị gái, nhiều năm Bảo Khánh là học sinh giỏi và khéo tay trong đan, móc, thêu thùa.
Em Hà Vi chia sẻ, hai chị em cháu lớn lên trong tình yêu thương chăm sóc của ông bà, cha mẹ. Em khẳng định bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực học tập để không phụ lòng thầy cô và gia đình đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng cháu phát triển.
“Chúng em có quyền được hưởng cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt”
Tới thăm gia đình anh Nguyễn Hồng Lam, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, anh làm kinh doanh tự do, vợ là giáo viên. Anh Lam chia sẻ: Vợ sinh hai con gái, anh đều vui và hạnh phúc. Có người khuyên vợ chồng anh sinh thêm rồi lựa chọn giới tính thai nhi cho “đủ nếp, đủ tẻ”, nhưng anh dừng lại ở 2 con, chỉ cần các con học giỏi, thành đạt, lo cho cuộc sống của mình thật tốt là được. Những năm qua, em Nguyễn Trà My và chị gái đều là học sinh ngoan, học giỏi, luôn nhận được biểu dương, khen thưởng của địa phương, nhà trường. Năm học 2022-2023, Trà My thi vào lớp 10 đỗ điểm cao và em chọn vào học trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Trà My cho biết: “Chúng em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt trong suốt chặng đường phát triển để đến khi trở thành những người phụ nữ có năng lực hòa nhập tốt với sự hiện đại của đất nước. Trước mong mỏi ấy, chúng em đã nhận thấy sự quan tâm của các ban/ ngành, của nhà trường, thầy cô và cả cha mẹ trong thời gian qua. Thông qua những hoạt động tuyên truyền về cân bằng giới, bình đẳng giới, về kế hoạch hóa dân số, hay những buổi chăm sóc sức khỏe tuổi vị thành niên đã đi vào trường học và sinh hoạt địa phương”.
TS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) Hà Nội cho biết, Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 hằng năm được Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm mục đích nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. Vì vậy, bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn. Thông điệp ý nghĩa này nhằm mục đích kêu gọi toàn thế giới trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn...
Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.