GS.TS Nguyễn Thị Lan: Phát triển HTX kiểu mới góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn bền vững và phồn vinh
- Tây Y
- 21:54 - 03/11/2020
Sáng ngày 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021. Trước thềm buổi thảo luận, phóng viên Báo Điện tử Dân Sinh đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc chuyển đổi mô hình (HTX) nông nghiệp kiểu cũ sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012.
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng hiện nay và mai sau, để phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM phồn vinh thì hướng đi tất yếu là cần phát triển HTX kiểu mới.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, HTX kiểu mới khác với mô hình HTX kiểu cũ, đó là: Tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ; mục tiêu hoạt động là tăng thu nhập và mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên; mỗi thành viên có quyền biểu quyết như nhau; thành viên vừa sở hữu tài sản của mình, đồng thời là chủ sở hữu tài sản của HTX; vừa sử dụng dịch vụ nội bộ HTX và dịch vụ bên ngoài.
HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 không những không làm triệt tiêu kinh tế gia đình mà còn tạo ra một môi trường mới, thuận lợi hơn, để hộ nông dân tham gia là thành viên HTX, chủ thể phát huy mọi năng lực, tiếp cận với vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, gắn với thị trường…
Để khắc phục thực trạng yếu thế của người nông dân hiện nay như bị ép giá, không có khả năng dự báo thị trường, sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh thấp, khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ vốn, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật… cần phải có HTX và chỉ có HTX nông nghiệp mới có thể gắn bó lâu dài nông dân (ND) với ND và ND với thị trường, do nó mang tính "cộng đồng" và tính "địa phương", khác với doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế khác, chủ yếu thực hiện "liên kết vãng lai": đến với ND khi dễ dàng tìm kiếm lợi ích và sẽ bỏ đi nếu khó khăn. HTX sẽ là cầu nối giữa ND và Doanh nghiệp, giữa ND với Nhà nước, giữa ND với các nguồn lực, giúp nông sản hàng hóa của người dân được gắn kết bền vững với thị trường.
GS.TS Nguyễn Thị Lan (mặc áo trắng) chụp ảnh cùng lãnh đạo và phóng viên Báo Lao động và Xã hội/ thuviensuckhoe.org tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội)
Đồng thời, để sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu, chúng ta cần chú trọng tập trung phát triển HTX kiểu mới (theo đúng nguyên tắc của các mô hình HTX đã rất thành công ở Hà Lan, Brazil, Israel…).
Mô hình cánh đồng lúa vụ mùa (2018) ở Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình, với sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp đã giúp nông dân mang lại hiệu quả cao trong canh tác (đạt năng suất 2,6 tạ thóc/ sào)
Để khát vọng đó sớm trở thành hiện thực, GS.TS Nguyễn Thị Lan đề xuất có một số việc cần làm ngay như: Nâng cao nhận thức về bản chất của HTX nông nghiệp và vai trò của nó đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), theo xu hướng hội nhập quốc tế. Cần kịp thời nhận diện, phân tích đánh giá và tổng kết các mô hình HTX nông nghiệp phát triển tốt để làm cơ sở triển khai nhân rộng nhằm phát huy vai trò của HTX trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới phồn vinh.
Cần tạo dựng một môi trường pháp lý hoàn thiện để HTX nông nghiệp có thể "tự sống" được bằng chính sức của nó thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính – tín dụng, khoa học – công nghệ và thị trường.
Cơ giới hóa đồng ruộng góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Bên cạnh đó cần hoàn thiện cơ chế liên kết, hợp tác giữa nông dân với HTX nông nghiệp, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó HTX nông nghiệp đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp, với thị trường để nông dân thấy được lợi ích của việc tham gia HTX nông nghiệp.
Và tăng cường thực hiện chính sách tập trung và tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho những nông dân muốn gắn bó với ruộng đồng có diện tích đất lớn để sản xuất. Khi đó, kinh tế HT sẽ kép ND vào các HTX, vì khi đó HTX mới có điều kiện đem đến lợi ích thiết thực và đủ lớn để họ nhận diện ra các lợi ích do HTX mang lại cho họ.
Kiện toàn công tác quản lý nhà nước đối với HTX từ Trung ương đến địa phương theo hướng bố trí cơ quan đầu mối, chuyên trách về kinh tế hợp tác nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đến quản lý, hỗ trợ và giám sát HTX nông nghiệp.