THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:28

Góp ý xây dựng Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố. Đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008.

Góp ý xây dựng Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện - Ảnh 1.

Ông Phạm Quang Tú - Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm – Chủ tịch Viện MSD cho rằng, Nghị định 64/2008 đã ra đời và đi vào đời sống được hơn 10 năm. Nghị định đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước và quĩ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, đặc biệt còn hạn chế trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực hơn nữa, chủ động trong các hoạt động từ thiện. Đồng thời, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ có những khuôn khổ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp đặc biệt việc hỗ trợ từ thiện nhân đạo trong tình hình mới có những thay đổi theo hướng từ thiện phát triển "cho cần câu để câu cá" – tạo nên sức mạnh cho cộng đồng chứ không ỉ lại vào việc được viện trợ.

Chia sẻ về những câu chuyện từ thực tiễn, Nhà báo Hoàng Thiên Nga cho rằng: "Những lúc ngặt nghèo, những lúc khẩn cấp, khi các cơ quan nhà nước theo quy trình chưa kịp trở tay, những cá nhân, tổ chức cộng đồng chính là đội ngũ phản ứng nhanh, hiệu quả, đi đầu. Điều đó rất tốt, nhưng chiếu theo Nghị định thì họ lại sai. Tôi đồng ý việc từ thiện cũng cần quy trình, hướng dẫn để tránh tình trạng cá nhân hay cộng đồng trục lợi, bất hợp lý, nhưng nếu có hướng dẫn cụ thể, chuẩn xác trong cách hướng dẫn toàn dân minh bạch khi làm từ thiện, thì chính cộng đồng xã hội sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả, với trách nhiệm hỗ trợ giám sát của các tổ chức, cơ quan liên quan. Nếu có được một Nghị định bao quát, rõ ràng, dễ hiểu, quy định cần và đủ về tính minh bạch, không mâu thuẫn với quyền cho-nhận của công dân theo Bộ luật Dân sự, thì hoạt động từ thiện của toàn dân sẽ nở rộ, mạnh mẽ và chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn".

Góp ý xây dựng Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện - Ảnh 2.

Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Tại hội thảo, các chia sẻ cũng chỉ ra rằng, việc làm từ thiện của cá nhân tổ chức có cả nhiều thuận lợi và cả thách thức, nhưng không đồng đều theo địa phương, theo trường hợp hỗ trợ. Điều này đặt ra vấn đề về thách thức về chính sách và về quan điểm của địa phương trong việc tiếp nhận và phối hợp trong công tác từ thiện với các cá nhân, tổ chức cộng đồng. Câu chuyện cũng xoay quanh tầm quan trọng của việc các tổ chức cá nhân phối kết hợp với các cơ quan địa phương để đạt hiệu quả. Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ "Chúng tôi, với tư cách là cơ quan địa phương cũng rất sẵn sàng phối hợp, hợp tác với cá nhân, tổ chức, để giúp bà con cộng đồng, giúp hoạt động từ thiện được công bằng, hợp lý, hiệu quả"

Đi từ thực tiễn và nhu cầu của công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện. Chúng ta thấy, công tác hỗ trợ từ thiện nơi dễ nơi khó, bởi đang phụ thuộc vào quan điểm, nhân cách của lãnh đạo địa phương, phụ thuộc vào cá nhân, thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện. Chúng ta nên bỏ đi thủ tục cho hay không cho mà quy định hướng dẫn xem cách thức, phương pháp làm điều phối công tác từ thiện thế nào cho hiệu quả, minh bạch giải trình; như vậy, tuỳ từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương thì đơn vị nào có tư cách, năng lực phù hợp, bất kể tổ chức nhà nước hay tổ chức nhân dân, tổ chức xã hội đều có thể đứng ra điều phối công tác từ thiện."

Với việc thúc đẩy hệ sinh thái từ thiện phát triển Việt Nam, trụ cột chính sách nhà nước là vô cùng quan trọng, cụ thể, với việc Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang được dự thảo sửa đổi, tọa đàm tập trung vào việc phát huy tinh thần công dân tham gia vào việc đóng góp ý kiến cho dự thảo này.

Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc của Ban Soạn thảo, trong một thời gian ngắn đã đưa ra bản dự thảo nghị định để lấy ý kiến nhân dân. Tôi cho rằng, Nghị định mới cần đảm bảo hai điều: Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quyên góp, phân bổ nguồn lực của tất cả các thành phần trong xã hội. Thứ hai, đảm bảo tính hiệu quả, bao gồm việc phối hợp giữa các bên liên quan từ đánh giá thiệt hại, huy động nguồn lực, tổ chức cứu trợ, tái thiết sau thiên tai và giám sát đánh giá."

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh