THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:25

Gói hỗ trợ mới 26.000 tỷ: Bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ

Đó là những thông tin được đưa ra tại phiên họp Chính phủ chiều ngày 29/6.

Giao cho các địa phương trực tiếp triển khai

Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều cùng ngày 29/6, về "gói" mới hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cho biết về Dự thảo Nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu, Chính phủ cũng đã báo cáo Bộ chính trị rồi, hiện đã tập trung tổng  kết Nghi quyết 42, và các chính sách hỗ trợ, sau khi hoàn thiện thì sẽ sớm tổng kết.

Gói hỗ trợ mới 26.000 tỷ: Bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ - Ảnh 1.

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, hiện "phải khẩn trương cao nhất ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

"Chính sách hỗ trợ lần này tập trung chủ yếu, đi thẳng vào hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động với khoảng 12 nhóm chính sách khác nhau bằng Ngân sách Nhà nước", ông Dung cho biết.

Và nhấn mạnh: "Chính sách này (rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai Nghị quyết 42), "với các chính sách rất cụ thể, rất thiết thực. Với điều kiện, tiêu chí, thủ tục tiếp cận đơn giản nhất, và làm sao để người ta tiếp cận được nhanh nhất. Và tăng cường hỗ trợ trực tiếp tiền mặt, tập trung chủ yếu cho người lao động, và người sử dụng lao động".

Đáng chú ý, theo ông Dung , trong "gói" này sẽ bổ sung thêm đối tượng là lao động tự do. Đối với lao phi chính thức này, không có giao kết hợp đồng, Chính phủ cũng quyết định giao cho các địa phương sẽ trực tiếp triển khai gói này.

"Chính phủ đưa ra sàn thấp nhất, như tối thiểu một tháng hỗ trợ bao nhiêu tiền, tùy tình hình thực tế địa phương, trên cơ sở đó, do địa phương quyết định", Bộ trưởng nhấn mạnh..

Ông Đào Ngọc Dung lưu ý thêm, đây là đối tượng ảnh hưởng nhất nhưng khó hỗ trợ nhất, nhưng "không hỗ trợ thì không ổn".

Dự kiến đầu tháng 7, sẽ họp triển khai trên quy mô toàn quốc

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng cho biết, cố gắng trong ngày 30/6 ban hành được Nghị quyết, và khoảng ngày mùng 1/7 quyết định ban hành Quyết định để triển khai chính sách. Theo đó, cũng dự kiến "trong đầu tháng 7, sẽ họp triển khai trên quy mô toàn quốc, phân công các cơ quan chuyên môn trực tiếp triển khai", ông nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 "có yếu tố phức tạp, nhạy cảm mới và đặt ra những tình huống mới".

"Từ 27/4 đến nay, 9,1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm", ông Dung nhấn mạnh và cho biết thêm: "Với khoảng 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng".

Nhưng, điều quan trọng hơn, theo Bộ trưởng, là đợt dịch thứ 4 này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Riêng Bắc Giang có 120.000 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó có 4 khu công nghiệp, khu chế xuất đã phải tạm thời đóng cửa. Hàng nghìn lao động trong các khu công nghiệp Bắc Giang sau khi cách ly, chữa trị được đưa về các địa phương. Tỉnh Bắc Ninh có khoảng 40.000 người lao động bị ảnh hưởng.

Tỉnh Bình Dương, TP HCM có hơn 3,8 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 20.000 lao động đang thực hiện giãn cách. Dịch bệnh có nguy cơ lan rộng các khu công nghiệp, chế xuất rất dễ xảy ra hiện tượng đứt gẫy sản xuất. Lao động ở các khu công nghiệp, lao động tự do không có hợp đồng lao động khó có thể chống chịu trong thời gian dài. Hiện các địa phương đang tìm mọi giải pháp ngăn chặn dịch Covid tấn công vào các khu công nghiệp.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, ông báo cáo các con số này để thấy "tác động của dịch bệnh lần này là rất phức tạp".

Bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do

Cũng trong chiều cùng ngày, một trong những nội dung được thảo luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 là Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Dự thảo này bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị.

Đồng thời, "tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

THANH NHUNG 
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh