CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:44

Gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng theo NQ 42: Kích cầu cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn

Sửa đổi quy định để tăng đối tượng thụ hưởng

Đến nay, Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm tại các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, trong đó tập trung vào ba nhóm đối tượng sau: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp mới được 15.909 người (dự kiến ban đầu là một triệu người), người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, tới thời điểm này chưa có hồ sơ nào được giải ngân, trong khi dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16 nghìn tỷ đồng với tổng số hơn ba triệu lao động được hỗ trợ...

Trước thực tế trên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP, trong đó, một số chính sách hỗ trợ cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người lao động được tiếp cận chính sách, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị của các đối tượng thụ hưởng... 

Chẳng hạn việc sửa đổi nêu điều chỉnh quy định "doanh nghiệp" bằng từ "người sử dụng lao động", qua đó có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp như trường học, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có sử dụng lao động. Hoặc sửa cụm từ "không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương" thành "doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so cùng kỳ năm 2019" để người sử dụng lao động tiếp cận tốt với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ theo NQ 42: Kích cầu cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất cửa Cty Loan Hiệp

Hoặc, đề xuất thay đổi cụm từ "người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính" thành "người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so cùng kỳ năm 2019". Bỏ nội dung "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động" để người sử dụng lao động chủ động trong việc chi trả tiền lương cho người lao động...

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Bình Dương, trước đó đều không thể tiếp cận gói hỗ trợ này, do các điều kiện quy định.
Ông Lê Minh Tấn - GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: Vừa qua, có 25 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ có 1 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn được vay. Khi Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi một số nội dung trong Nghị quyết 42 có nhiều tích cục và thông thoáng hơn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vay này, qua đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay".

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Đào Xuân Sơn – GĐ cty Luật TNHH Justiva Law tại Bình Dương cho biết: "Về thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 42, đợt vừa qua doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ do vướng nhiều thủ tục và các điều kiện. Tuy nhiên,   đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 42 có nhiều tích cục và thông thoáng hơn. Đây cũng là cơ hội giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vay để vượt qua khó khăn trong đợt dịch COVID-19 này".

Gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ theo NQ 42: Kích cầu cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn - Ảnh 2.

Công nhân xây dựng TP Hồ Chí Minh

Ông Trần Thanh Hải, chủ Công ty TNHH MTV Thanh Hải (Q.Tân Bình – TP HCM) cho biết, khi nghe có gói hỗ trợ vay vốn 16 ngàn tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tôi cũng có tìm hiểu về gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, theo quy định để được phê duyệt gói vay vốn này, thì buộc doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện như: Phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên... "

"Vì số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp của doanh nghiệp không đủ theo quy định, cũng như không đáp ứng được tiêu chí có 20% số lao động phải ngừng việc do trong thời gian xảy ra dịch, nên tôi không tiếp cận được gói vay này... Và hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với đề án sửa đổi Nghị quyết 42 của Bộ LĐ-TB&,XH, doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để làm thủ tục vay vốn trong gói hỗ trợ này" - ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Giám đốc Cty CP NNT Ngô Ngọc Tùng tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: "Cty chúng tôi chuyên về xây dựng và cung cấp lao động phổ thông cho khu CN Vũng Áng,  từ đầu năm đến nay, Cty chúng tôi cho công nhân lao động làm việc theo kiểu cầm chừng, nhỏ lẻ, mặc dù không có việc làm nhưng Cty vẫn hỗ trợ cho người lao động mỗi tháng 2 triệu đồng để đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Sau khi Nghị quyết 42 được sửa đổi, doanh nghiệp chúng tôi đang làm các thủ tục để được đủ điều kiện vay vốn trong gói 16 nghìn tỷ đồng theo NQ 42 thì sẽ phần nào tháo gỡ được khó khăn trong giai đoạn này".

Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Giám đốc Cty cửa Loan Hiệp (TP Thanh Hoá) chia sẻ: "Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện hay, tôi được biết nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động và cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng vì các quy định và tiêu chí để nhận được các gói hỗ trợ này quá gắt gao, khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn để tiếp cận. Cụ thể, như gói vay vốn để hỗ trợ trả lương cho người lao động, để đủ tiêu chí để nhận được vay vốn của gói này thì buộc doanh nghiệp phải cho ngừng việc người lao động. Hơn nữa, số tiền được vay vốn cũng không nhiều, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh đều là những doanh nghiệp nhỏ, lẻ và có số lượng lao động không nhiều". 

"Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 42, nới lỏng điều kiện để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vay, bản thân thôi thấy cũng mừng. Vì đây là giai đoạn khó khăn giúp các doanh nghiệp nhỏ, lẻ trụ được nếu không các doanh nghiệp phá sản hết" -  Bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết thêm.

Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới đang còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong nước cũng đã thực hiện tối ưu hóa các nguồn lực, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người sử dụng lao động, giúp người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng 16.000 tỷ đồng, để thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giúp người sử dụng lao động… nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

THU HƯƠNG - PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh