CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:22

Góc nhìn báo chí qua vụ chìm tàu trên sông Hàn

Hiệu quả từ ứng phó nhanh, quyết liệt và tâm huyết

Tai nạn thường được xem như “từ trên trời rơi xuống”. Vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 tại sông Hàn cũng vậy, nếu khác chăng, đó chính là có yếu tố “con người”. Ngay sau khi sự việc xảy ra, dù rất bàng hoàng, nhưng lãnh đạo TP Đà Nẵng và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã có những phản ứng rất nhanh chóng, quyết liệt và chu đáo, toàn diện. Khoảng gần 21 giờ tàu chìm thì ngay lập tức từ lãnh đạo, chỉ huy đến các lực lượng đã kịp thời có mặt để đánh giá tình hình, đưa ra các phương án xử lý, điều động, bố trí lực lượng một cách nhanh nhất, hợp lý nhất. 22 giờ đêm 4/6, tại cầu Cảng nơi đặt Sở Chỉ huy, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thiếu tướng Ngô Quý Đức, Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng Quân khu 5 đã trực tiếp chỉ huy cứu nạn, tìm kiếm. Ông Thơ vừa hướng ra sông Hàn với vẻ mặt nặng trĩu, lo âu, tai nghe các trợ lý và cả nhưng người xung quanh chia sẻ, báo cáo, vừa suy tính để nhanh chóng đưa ra những quyết định dứt khoát, kịp thời. Tướng Ngô Quý Đức liên tục cập nhật thông tin và phát ra những mệnh lệnh điều động lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ trả lời phỏng vấn báo chí ngay tại cầu cảng tối 4/6. 

Ngay sau đó, hơn 70 thợ lặn chuyên nghiệp của các lực lượng và ngư dân có kinh nghiệm đã lao mình xuống sông để tìm kiếm. Các phương tiện tốt nhất đã được điều động. 24 giờ, cửa sông Hàn đã được căng lưới để không cho các xác nạn nhân trôi ra biển. 1 giờ sáng ngày 5/6, tại Sở Chỉ huy, mọi người vẫn khắc khoải ngóng chờ những tin tức từ các đội thợ lặn, nhưng vẫn vô vọng. Có người nói: “Tối thế này chắc phải tạm dừng tìm kiếm”. Ông Thơ hỏi lại: “Nếu người nhà của mình nằm dưới đó mà không ai tìm kiếm, mình có chịu được không? Vẫn biết tìm kiếm ban đêm là rất khó, rất tốn kém nhưng vẫn phải tìm”.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và huy động một lực lượng lớn tìm kiếm, đến 16 giờ 50 phút ngày 5/6/2016, thi thể của nạn nhân cuối cùng đã được đưa lên bờ, kết thúc chiến dịch cứu nạn, tìm kiếm liên tục 20 tiếng đồng hồ của hơn 1000 người.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Sau mỗi vụ tai nạn, các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng đều lên tiếng rất “ghê gớm”: Tổng kiểm tra, tổng rà soát, “Tổng” xử lý... Câu này nghe có vẻ... quen quen. Vậy nhưng, các vụ tai nạn thảm khốc vẫn cứ xảy ra. Vụ chìm tàu ở Đà Nẵng đã có rất nhiều lời cảnh báo trước, thậm chí chỉ trước khi bị tai nạn 2 ngày, đã có đề nghị cấm tàu Thảo Vân 2 hoạt động, hay như đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng nói: “Tàu chở khách của Đà Nẵng hiện cứ như con lật đật”. Báo chí cũng đã không ít lần cảnh báo về những nguy cơ tai nạn trên mọi lĩnh vực. Nhưng dường như lời nói gió thoảng. Nhà nước của ta hiện nay, có thể nói có đầy đủ các văn bản pháp luật về mọi lĩnh vực. Lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn, quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát… có thừa. Vậy, tại sao những vụ tai nạn thảm khốc vẫn cứ xảy ra? Thử hỏi: Tàu Thảo Vân 2 không được phép vận chuyển hành khách, nó chính là chiếc “xe tải” đang chở khách quá tải đấy (!). Đã có ý kiến “cẩu lên bờ”, nhưng vẫn ung dung bán vé, chở khách du lịch (gấp đôi tải trọng), ung dung xuất tại bến chính thức và …chìm. Tội này chẳng phải mình ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng hay ông Nguyễn Công Hiệu, Đội trưởng quản lý bến đâu, mà còn là trách nhiệm của chỉ đạo, điều hành.

Lực lượng công an làm nhiệm cụ tại cầu cảng. 

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Sai từ A đến Z”. Sai thì rõ rồi, làm rõ cái sai để xử lý cũng là đương nhiên. Nhưng liệu có “xử” được từ A đến Z hay không? Đây là một câu hỏi mà rất nhiều người đang chờ đợi.

Vai trò của báo chí trong sự kiện này

Ngay sau khi nhận được tin vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn, hầu như tất cả các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn Đà Nẵng đều có mặt để đưa tin. Gần 22 giờ đêm, tại khu vực cầu cảng trước khách sạn Novotel, nhiều nhà báo, trong đó có tôi, Ngọc Dũng, Báo Người Lao động, Đức Chung, Đình Quốc,  Đài THVN... đang lỉnh kỉnh đồ nghề tiếp cận khu vực bờ sông, thì gần một chục cán bộ, chiến sỹ công an xông ra cản lại. Một người tuyên bố: “Có lệnh cấp trên yêu cầu ai không có phận sự ra ngoài, kể cả phóng viên báo chí”. Rất bức xúc, tôi lên tiếng: “Các anh có phận sự của các anh, chúng tôi có phận sự của chúng tôi, chúng tôi không gây trở ngại cho công việc của các anh, thậm chí có thể hỗ trợ cho các anh, tại sao không cho vào”?. Phản ứng của tôi được nhiều người ủng hộ, chắc mấy đồng chí công an thấy “ có lý”, nên không cản nữa. Từ đó cho đến hết chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đều tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp. Nhờ đó hàng trăm bài báo, phóng sự truyền hình đã được truyền nhanh chóng, kịp thời đến người dân cả nước. Đây là một việc nhỏ, có thể không đáng nói, nhưng nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi cũng xin mạn phép trao đổi thêm.

Các nhà báo tác nghiệp liên tục ngay tại cầu cảng. 

Làm báo tại khu vực miền Trung 20 năm nay, tôi từng tham gia tác nghiệp rất nhiều sự kiện, mang nghi thức tầm Quốc tế như Hội nghị APEC 2006, thiên tai lịch sử như trận lũ, lụt 1999, tai nạn đường sắt lật tàu E1, tiếp nhận thi hài các nạn nhân bão Chanchu, hàng loạt lễ hội lớn... Trong tất cả các sự kiện thì vai trò và hiệu quả tuyên truyền của đội ngũ báo chí là không thể phủ nhận, thậm chí là rất lớn. Cứ đến ngày báo chí hàng năm thì ở đâu, các cơ quan, tổ chức cũng luôn phát biểu những lời xã giao, hoa mỹ nào là ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí, báo chí đã giúp chúng tôi v.v... và v.v... Thế nhưng, khi có các sự kiện xảy ra, nhất là những vụ như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sự cố xung đột về an ninh trật tự, hỏa hoạn... thì báo chí luôn bị phân biệt đối xử từ chính các nhà chức trách. Họ coi báo chí như những người luôn cản trở, phiền nhiễu hoặc thậm chí là nhiều chuyện. Có những lúc họ xua đuổi, nói những câu nặng nề, gay gắt.

Vâng, chúng tôi hiểu, chia sẻ, cảm thông cho trách nhiệm nặng nề, quan trọng của các nhà chức trách, áp lực công việc, áp lực trách nhiệm đối với họ là rất lớn. Nhưng các nhà chức trách cũng hiểu và thông cảm cho những người làm báo. Chúng tôi cũng áp lực công việc, trách nhiệm xã hội lớn lắm và không hề thua kém. Nếu một sự việc xảy ra, nhà báo không kịp thời phản ánh chính xác, đầy đủ sự việc thì chính họ cũng bị lãnh đạo phê bình, kiểm điểm, kỷ luật, xã hội phê phán, thậm chí cả lên án.

Tại vụ chìm tàu Thảo Vân 2, ngay trong đêm 4/6, tại hiện trường những người có trách nhiệm, như Huỳnh Đức Thơ, Thiếu tướng Ngô Quý Đức khi có những thông tin đã sẵn sàng chia sẻ, trả lời phỏng vấn trực tiếp cho báo chí. Áp lực công việc như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đến hiện trường vẫn thân thiện chào hỏi anh em báo chí. Tôi chưa biết ai là người đã ra lệnh: “Yêu cầu ai không có phận sự ra ngoài, kể cả phóng viên báo chí” hôm đó, nhưng trong các sự kiện, xin hãy ra lệnh rõ ràng, có danh tính và phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh của mình.

Sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2, nhiều người cho rằng du lịch Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng tôi, tôi nghĩ sự cố xảy ra thật đáng tiếc, nhưng với những hành động cụ thể vừa quyết liệt, rốt ráo vừa đậm tính nhân văn, cầu thị của Đà Nẵng, cùng với sự đồng hành hiệu quả, kịp thời của báo chí, Đà Nẵng vẫn “rất đẹp” trong mắt mọi người và du khách.  

GIANG SƠN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh