THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:21

Gỗ Pơ mu trên bản làng người H’mông

 

Nhà của đồng bào H‘mông được làm hoàn toàn bằng gỗ Pơ mu.


Gắn bó với đời sống của đồng bào H‘mông

Từ bao đời nay tập tục của người H’mông vẫn giữ thói quen sống biệt lập, ở trong những ngôi nhà độc mộc bên sườn núi cao hiểm trở. Điều đặc biệt của ngôi nhà của đồng bào dân tộc H’mông là được làm hoàn toàn bằng gỗ và chất liệu của nó đều là gỗ Pơ mu quý giá.

Nhà của một người Mông chỉ làm một lần trong đời và nó nhất định phải được làm bằng loại gỗ tốt. Từ cột, kèo, tấm vách cho đến mái nhà cũng đều được làm từ gỗ Pơ mu. Cứ nhà nào có thành viên ra ở riêng là cả bản lại xúm vào hộ làm. Đàn ông trong bản thì lên rừng xẻ gỗ, phụ nữ thì có nhiệm vụ địu gỗ về nhà. Điều này đã trở thành thông lệ với đồng bào người dân tộc H’mông ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

 

Những người phụ nữ H’mông địu gỗ Pơ mu vượt hàng chục km về dựng nhà.


Không chỉ là vật liệu để dựng nhà, theo đồng bào người H’mông nơi đây cho biết gỗ Pơ mu còn một vị thuốc quan trọng của người Mông. Với bài thuốc lấy dầu trong gỗ Pơ mu thêm ít đường và nước chanh để trị bệnh tiêu chảy. Trong điều kiện cách rất xa trạm xá, hay bệnh viện thì đây là một những cách mà người H’mông chống chọi với bệnh tật được truyền lại từ nhiều đời nay.

Dầu Pơ mu có hương thơm rất đặc trưng, vị đắng nên rất kị với các loại côn trùng như: muỗi, kiến… từ lâu đã được đồng bào người Mông sử dụng để chống côn trùng trong nhà. Cũng như dùng để bôi lên thân của trâu bò để giúp chúng chống lại công trùng cắn.

Có lẽ bất cứ ai cũng sẽ phải ngạc nhiên khi lần đầu tiên được ngồi trong gian khách trong nhà người Mông, luôn thoang thoảng có một hương thơm rất đặc biệt. Đó là những cành Pơ mu được người Mông lấy về làm đóm châm lửa. Bên bếp lửa hồng hương dầu từ những cành Pơ mu được đốt tỏa ra ngào ngạt, nó đã trở thành một nét đặc trưng trong cuộc sống của đồng bào dân tộc H’mông ở vùng cao.

Đứng trước nguy cơ cạn kiệt

Là một sản vật luôn gắn liền với những nét văn hóa của đồng bào dân tộc H’mông. Nhưng nguồn gỗ Pơ mu cũng chỉ có hạn và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Song chủ yếu vẫn là hoạt động khai thác quá mức của con người khiến loài gỗ này những năm trở lại đây có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng.

 

Những cánh rừng trơ trọi.


Trong một thời kỳ việc đốt nương làm rẫy của đồng bào dân tộc ít người là một trong những nguyên nhân chính khiến những cánh rừng đại ngàn mất dần màu xanh. Ngay ngay việc đối nương đã được kiểm chặt chẽ, song khắp những cánh rừng giờ đây chỉ trơ lại đất trống với những gốc cây nằm ngổn ngang. Số phận của những cây Pơ mu cũng vì thế mà cũng ngày càng mất dần.

Song nhu cầu sử dụng gỗ Pơ mu trong cuộc sống không giảm đi mà có chiều hướng tăng lên. Người dân đã bắt đầu đi vào những khu rừng xa và di chuyển khó khăn hơn để khai thác. Với tấm gỗ Pơ mu rất nặng trên vai người những phụ nữ H’mông ở xã Háng Đồng C đã phải di chuyển hàng chục km trong đường rừng, nơi những phương tiện cơ giới không thể vào được để đem về bản dựng nhà. Điều mà trước đây có thể họ chưa bao giờ phải nghĩ tới.

 

Máu của rừng vẫn chảy.


Cùng với đó hoạt động đi rừng đồng bào dân tộc thiểu số cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây cháy rừng. Anh Mùa A Chua- một người dân ở thôn Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho hay”, Vào năm 2016 ở địa phương cũng xảy ra một vụ cháy rừng lớn. Ở đây nhiều cây cỏ, bà con nó đi rừng nhóm bếp sơ ý không tắt hết là cháy lan khắp cả vùng, không thể dập được”. 

Trong khi đó các hoạt động buôn bán loài gỗ Pơ mu trái phép vẫn âm thầm diễn ra. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc H‘mông. Những thanh gỗ Pơ mu được khai thác nhỏ lẻ và thuê của đồng bào dân tộc H‘mông đìu hàng chục cây số ra khỏi rừng với cái giá rẻ mạt chỉ 300 ngàn đồng. Khiến những cây gỗ quý Pơ mu vẫn rơi rụng dần giữa đại ngàn.

Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, trong khi những cây gỗ Pơ mu vốn là một biểu trưng trong văn hóa của đồng bào người H’mông ở Sơn La cũng đang mất dần trên chính mảnh đất này. Cần có một chính sách thích hợp và những biện pháp giúp thay đổi được nhận thức của người dân về bảo vệ rừng cũng như giữ gìn loài gỗ Pơ mu, mới giúp loài cây quý này tránh được nguy cơ bị tận diệt.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh