Gỡ “nút thắt” về cung cầu lao động
- Bài thuốc hay
- 21:37 - 31/05/2018
Hội chợ việc làm - Nơi kết nối cung cầu lao động.
Thừa LĐ phổ thông, thiếu LĐ kỹ thuật cao
Nghịch lý này tồn tại ở hầu hết các địa phương nhưng biểu hiện rõ nhất các thành phố lớn có nhu cầu LĐ cao. TP. Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình. Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động (TTLĐ) TP.Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2018, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp (DN) khoảng 300.000 người, tăng bình quân 5% so với năm 2017. Tuy nhiên, việc phát triển TTLĐ vẫn chưa đồng bộ, chênh lệch cung - cầu LĐ về số lượng. Đặc biệt, chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.
Nhiều địa phương khác như Bình Dương, Hà Nội cũng đang gặp phải những khó khăn trên. Ngoài những nguyên nhân về chính sách đào tạo khiến cung - cầu LĐ chưa gặp nhau, theo các chuyên gia, công tác quản lý LĐ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giới thiệu việc làm thời gian qua bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển TTLĐ, là cầu nối giữa người sử dụng LĐ và người LĐ nhưng các trung tâm giới thiệu việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập thông tin về cung - cầu LĐ, không kết nối dữ liệu.
Bên cạnh đó, chưa có dữ liệu chung về BHTN trên toàn quốc để các Trung tâm dịch vụ việc làm có thể tra cứu, đối chiếu thông tin, tránh giải quyết hồ sơ trùng nhằm thực hiện tốt chính sách BHTN.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), chính sách BHTN ở nước ta mới tập trung hỗ trợ người LĐ sau khi thất nghiệp chứ chưa chủ động có giải pháp hỗ trợ người LĐ nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Tâm lý người LĐ chỉ muốn hưởng chế độ cho mục đích cá nhân chứ chưa quan tâm đến các chế độ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để tiếp tục quay lại TTLĐ. Một số LĐ chưa nhận thức rõ việc khai báo tình trạng việc làm, trong khi phần lớn người sử dụng LĐ vẫn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động LĐ. Mặt khác, công tác quản lý LĐ còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý LĐ nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm, dẫn đến số liệu thống kê chưa kết nối.
Bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, hệ thống thông tin TTLĐ chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước. Từ đó kéo theo hoạt động phân tích và dự báo TTLĐ còn yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết việc làm nói riêng.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất là cần hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, TTLĐ, BHTN, quản lý LĐ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập. Trong đó, việc đầu tiên là cần hoàn thiện hệ thống thông tin TTLĐ, nhu cầu việc làm tại các DN, từ đó phân tích, dự báo thị trường trong ngắn hạn, dài hạn để cung cấp thông tin cơ hội việc làm, khóa đào tạo…, giúp người LĐ có định hướng lựa chọn học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.
Theo bà Lê Kim Dung, giải pháp trước mắt là cơ quan nhà nước cần tập trung hình thành mạng lưới kết nối các trung tâm giới thiệu việc làm trên toàn quốc, phục vụ kết nối cung - cầu LĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác công - tư thông qua các dự án phát triển thông tin TTLĐ có sự tham gia đóng góp của tổ chức tư nhân về dịch vụ việc làm.
Khi giải pháp nói trên được triển khai hiệu quả, việc thực hiện chính sách BHTN đạt hiệu quả hơn. Điều này sẽ khuyến khích người LĐ thất nghiệp tích cực tham gia tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề để sớm quay lại TTLĐ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin TTLĐ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng LĐ; kết nối cổng thông tin hướng nghiệp, đào tạo, việc làm thành phố với các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia; điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu TTLĐ về xu hướng việc làm, học nghề; hướng dẫn, hỗ trợ DN hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, việc dự báo sẽ làm giảm độ vênh giữa cung ứng LĐ và nhu cầu của DN. Đồng thời, đây sẽ là cơ sở hoạch định chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển TTLĐ thời gian tới.