Giúp trẻ “cai nghiện” công nghệ số
- Y học 360
- 23:22 - 16/08/2017
Hệ lụy khi trẻ “nghiện” công nghệ
Con trẻ nghiện công nghệ trong thời gian dài gây ra các hệ lụy đang là nỗi lo của nhiều ông bố, bà mẹ. Đặc biệt, lứa tuổi nghiện công nghệ ngày nay cũng đang trẻ hóa, có một phần “tiếp tay” từ phía gia đình.
Chị Vân Khánh (Thành Công, Hà Nội) cho biết, do bận công việc nên hè đến chị gửi con trai học lớp 2 về ông bà nội. Hàng ngày, ông bà nội cho cháu sử dụng iPad do thấy cháu ngồi ngoan, ít quậy phá. Vì thế, kể cả khi ngồi ăn cơm cũng cho cháu sử dụng. Dịp này chị Vân Khánh phát hiện ra con cứ nheo mắt khi nhìn, chị đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận là cháu mắc cận thị khá nặng.
Mới đây, câu chuyện 1 bạn gái tuổi teen vào Facebook 10 tiếng/ngày bị ảo giác đã khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng. Điều đáng lo ngại nhất là khi vào trang mạng xã hội Facebook, người dùng có thể quên đi mọi thứ xung quanh. Khi bị gia đình cấm sử dụng, những đứa trẻ tuổi teen sẽ thấy trong người chán nản, thiếu cái gì đó.
Theo thống kê của khoa Tâm bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như tại các trung tâm điều trị trẻ tự kỷ và chậm nói, một trong những nguyên nhân dẫn tới trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và kém trong giao tiếp chính là việc gia đình đã để cho trẻ xem tivi và chơi iPad, điện thoại di động quá nhiều. Đặc biệt với trẻ vị thành niên, nghiện Facebook trong thời gian dài ở mức độ nào đó có thể gây trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Hướng trẻ vào những hoạt động lành mạnh
Chia sẻ về điều này, ThS Trần Thị Yến, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, việc cấm con dùng các thiết bị điện tử trong thời buổi hiện nay đã chẳng còn có tác dụng nữa. Thay vì vậy, bạn nên cho con biết rằng bố mẹ sẽ luôn để ý đến việc các con vui chơi và quản lí thời gian như thế nào.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên dành thời gian chơi với con cái, hướng trẻ vào những hoạt động lành mạnh như chơi những món đồ chơi từ thực tế, ca hát, vẽ tranh, các hoạt động ngoài trời, các trò chơi dân gian, dạy trẻ làm việc nhà, khám phá thế giới xung quanh. Nên khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội như câu lạc bộ, đội, nhóm… Nếu con bạn không muốn, bạn có thể gợi ý các hoạt động khác mà con bạn có thể thích, có liên quan đến những người cùng tuổi con như các hoạt động trường lớp, các hoạt động tình nguyện.
Với những đứa trẻ đã nghiện cần phải giảm thời gian chơi của bé, các thành viên trong gia đình cũng cần thống nhất trong việc hạn chế trẻ tiếp xúc công nghệ, tăng sự trò chuyện, kết nối giữa các thành viên để trẻ có niềm vui thích hơn khi sống trong thế giới thật.
Theo ThS Trần Thị Yến, đối thoại trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ và ánh mắt luôn có hiệu quả hơn gấp nhiều lần khi đối thoại bằng phương tiện như điện thoại, máy tính. Việc này làm cho mối quan hệ của cha mẹ và con cái gắn kết hơn.
Sự phát triển và hình thành thói quen của trẻ phụ thuộc vào cách sinh hoạt của gia đình. Hãy hướng dẫn con cái sử dụng những phương tiện này một cách có mục đích và ý nghĩa.