THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:42

Giúp người nghiện sử dụng các dịch vụ của xã hội thông qua hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội, hiệu quả bước đầu của mô hình được ghi nhận qua việc đóng góp vào quá trình quản lý chặt chẽ những di biến động của người nghiện trên địa bàn, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người nghiện qua các hoạt động như: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia chuyển gửi, chuyển gửi kịp thời người nghiện tới các cơ sở điều trị ma túy, bệnh viện điều trị tâm thần, khám chăm sóc bệnh nhân Lao…và các hỗ trợ tâm lý xã hội khác. Việc này bước đầu tạo được niềm tin cho người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Tính đến ngày 10/12 đã có 170 người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn chuyển gửi trên địa bàn 6 phường của 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Về cụ thể thì toàn bộ số người này được tiếp nhận và sàng lọc can thiệp. Thứ 2 là lập được kế hoạch điều trị cho từng cá nhân. Tất cả các trường hợp này được giám sát, tuân thủ điều trị… cũng như bệnh viện tâm thần.

Giúp người nghiện sử dụng các dịch vụ của xã hội thông qua hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Cùng những kết quả bước đầu đạt được, tại hội thảo, các đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy, đó là: Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ tham gia mô hình chưa đạt được mục tiêu đề ra; cơ sở vật chất hỗ trợ mô hình còn hạn chế; hoạt động của mô hình chưa khuyến khích được sợ tham gia nhiệt tỉnh của nhiều thành phần liên quan khác; việc hướng dẫn sử dụng, thanh toán kinh phí hỗ trợ chưa kịp thời dẫn đến chậm triển khai một số hoạt động tại địa phương.

Ông Terrence Walton, Giám đốc điều hành Hiệp hội chuyên gia Toà ma tuý Hoa Kỳ (NADCP) cho biết, không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang gặp khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy. Việc giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng là công việc hết sức vất vả nhưng đáng phải làm. Tại Hoa Kỳ, cách đây 30 năm mới chỉ có 1 Tòa ma túy, đến nay đã có 3500 tòa án như vậy trên toàn lãnh thổ. Tòa ma túy và chương trình chuyển gửi tại Mỹ giúp cho những người sử dụng ma túy có thể ngưng sử dụng ma túy, quay về với gia đình, tìm việc, đóng góp cho cộng đồng, giảm tội phạm.Tuy nhiên, việc áp dụng tòa ma túy không phải ở quốc gia nào cũng giống nhau. Đôi khi người ta còn nhầm lẫn rằng cần phải có tòa án, thẩm phán riêng, tuy nhiên xây dựng Tòa ma túy hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống tư pháp hiện có với sự tham gia của các thẩm phán, những người cam kết thực hiện để tạo nên sự khác biệt.

Tại Hà Nội, mô hình được thực hiện dưới sự phối hợp quản lý của Sở LĐ-TB&XH và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho mô hình và các điểm tư vấn, điều trị với sự hỗ trợ tài chính và đồng hành của Cơ quan quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA).

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết, đặc điểm riêng có của mô hình là có sự tham gia chuyển gửi của công an đến các cơ sở điều trị thông qua chuyển gửi đến nhân viên xã hội tại xã phường thí điểm để sàng lọc, đánh giá, động viên vào điều trị. Công an khi tiếp cận với người sử dụng ma tuý thì việc đầu tiên là giới thiệu tham gia mô hình thí điểm thay vì chỉ tập trung vào lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính như cách làm truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á học tập và triển khai mô hình Tòa ma túy. Ngành lao động tới đây sẽ xây dựng các định mức và dịch vụ cho các cơ sở cai nghiện đa chức năng. Đặc biệt khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện và cai nghiện ở điểm tư vấn, điểm vệ tinh ở cộng đòng để giảm cai nghiện bắt buộc.

"Chúng tôi không muốn người nghiện phải đi bắt buộc mà họ có nhiều cơ sở sử dụng các dịch vụ của xã hội, đồng thời với việc phát triển điểm tư vấn, điểm vệ tinh và trở thành mạng lưới, gắn kết người từ lúc sử dụng ma túy, nghiện ma túy, lệ thuộc ma túy được sử dụng các dịch vụ của các ngành, các câp, các cơ quan, địa phương, kể cả dịch vụ y tế cắt cơn, giải độc, xác định tình trạng nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập', ông Nguyễn Xuân Lập nói.

Cũng theo ông Lập cho, đơn vị cũng sẵn sàng tiếp nhận kiến nghị của địa phương, đưa việc thực hiện mô hình chính thức vào chương trình của UBQG, đồng thời xây dựng cơ chế về chính sách, con người, kinh phí để triển khai mô hình đồng bộ hơn. Theo ông Lập, để mở rộng mô hình, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để các đơn vị chức năng và người dân hiểu rõ hơn lợi ích mà mô hình đem lại.

Sau chương trình sơ kết, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức tập huấn về mô hình cho đại diện các cơ quan liên quan của Việt Nam, cán bộ công tác xã hội tại các địa phương thực hiện thí điểm, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội 17 tỉnh, thành phố đến hết ngày 19/12.


CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh