THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Giúp người dân an cư, thoát nghèo bền vững

 

*Thưa Thứ trưởng, đến nay Chương trình giai đoạn 2 đã đạt được những kết quả cụ thể nào?

- Để đánh giá tổng quan hiệu quả của Chương trình, cần phải xem xét đồng thời các công việc tôn nền, đắp bờ bao; xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong các cụm tuyến dân cư; xây dựng nhà ở và bố trí dân cư vào ở. Hiện tại, các địa phương khu vực ĐBSCL đã hoàn thành tôn nền 126 cụm, tuyến và 48 bờ bao (đạt 99,6%).

Các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: Đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước sinh hoạt trong các cụm, tuyến dân cư đã được xây dựng xong; điện sinh hoạt đã có tại 113/130 cụm, tuyến dân cư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Về công tác xây dựng nhà ở và bố trí dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn, các địa phương đã xây dựng xong 27.014/35.595 căn nhà cho các hộ dân vào ở; 47.929/56.510 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình đã được đảm bảo an toàn nhà ở trong các cụm, tuyến và bờ bao, trong đó có 27.014 hộ vào ở trong cụm, tuyến và 20.915 hộ được đảm bảo an toàn trong các bờ bao.

* Các cụm, tuyến dân cư này được thử thách qua các mùa lũ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Năm 2011 xuất hiện trận lũ rất lớn, nước ngập cao hơn trận lũ năm 1961 và năm 2000 (những năm xảy ra các trận lũ lớn lịch sử) nhưng hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vẫn đảm bảo an toàn. Số người thiệt hại trong trận lũ năm 2011 chỉ bằng khoảng 1/8 so với năm 2000.

 Việc khai thác đất để đắp bờ bao đã kết hợp nạo vét kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy, cải tạo hệ thống thuỷ lợi trong vùng, đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trong vùng thay đổi lớn cả về mặt đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần cho người dân. Qua đó, tạo cơ sở ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của toàn vùng ĐBSCL.

* Hiện nay, số hộ vẫn chưa vào ở trong các cụm, tuyến dân cư còn khoảng 24% so với tổng số hộ cần di dời. Vậy, cần có giải pháp nào để sớm lấp đầy các cụm, tuyến dân cư này, thưa Thứ trưởng?

-Đúng là tỷ lệ hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến còn có nơi thấp. Nguyên nhân là do phải đảm bảo yêu cầu tiến độ Chương trình, nên yếu tố kinh tế chưa được xem xét kỹ. Công tác đền bù, giải toả, thu hồi đất để xây dựng cụm, tuyến cũng như việc sắp xếp đưa các hộ vào dự án chậm, làm cho chi phí tăng lên nên giá bán nền tăng.

Một góc tuyến dân cư vượt lũ thị xã Ngã Bảy(tỉnh Hậu Giang)Một góc tuyến dân cư vượt lũ thị xã Ngã Bảy(tỉnh Hậu Giang)

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ của cụm tuyến, chỉ cho vay ưu đãi mua nền và làm nhà ở, do vậy người dân nghèo còn tâm lý ngại vay nợ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ đưa dân vào ở trong các cụm, tuyến.

 Để tháo gỡ, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay mua nền nhà bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; tạo điều kiện cho khoảng 8.600 hộ dân thuộc đối tượng giai đoạn 2 chưa vào ở trong cụm, tuyến dân cư được tiếp tục vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư đến hết năm 2015.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP vùng ngập lũ ĐBSCL tập trung chỉ đạo, có biện pháp mạnh mẽ, cụ thể để thúc đẩy tiến độ, kiểm soát chất lượng xây dựng, phấn đấu hoàn thành các công việc còn lại thuộc giai đoạn 2 trong năm 2015, đặc biệt là việc đưa hết số hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào sống trong cụm, tuyến.

Trong thời gian tới, để khuyến khích các hộ dân vào ở trong cụm tuyến, đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố xem xét, ưu tiên giải quyết vốn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương giảm nghèo, các chương trình khác để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư.

Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương quan tâm đưa các ngành nghề phù hợp, kết hợp đào tạo nghề cho các hộ dân trong cụm, tuyến dân cư nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để họ yên tâm sinh sống và xây dựng cuộc sống mới trong cụm, tuyến dân cư.

* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Ngày 6/11/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 173/2001/QĐ-TTg về phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2005(giai đoạn 1), đồng thời ban hành quyết định số 1548/QĐ-TTg về việc đầu tư­ tôn nền v­ượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư­ vùng ngập sâu ĐBSCL.

Giai đoạn 1 được triển khai thực hiện từ năm 2001-2008 với tổng số vốn gần 5.770 tỷ đồng. Các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ đã đầu tư xây dựng 804 dự án cụm tuyến dân cư và bờ bao để bảo đảm chỗ ở cho 146.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. 

Ngày 26/8/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư giai đoạn 2 thuộc Chương trình, mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân thuộc 7 tỉnh, thành: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ.

Giai đoạn 2 cũng đồng thời đầu tư bổ sung một số hạng mục hạ tầng thiết yếu như bãi rác, kè chống sạt lở cho một số cụm, tuyến trong giai đoạn 1.


Hương-Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh