Giúp dân thoát nghèo ở Ninh Thuận
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:49 - 17/10/2015
Khám chữa bệnh cho người nghèo
Ninh Thuận là một trong những tỉnh nghèo của khu vực Duyên hải miền Trung, có địa hình 3/4 diện tích là miền núi; 78% dân số là dân tộc Kinh, 12% dân tộc Chăm và Răklay, 9% còn lại là đồng bào các dân tộc khác. Nhiều năm qua, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân còn nhiều hạn chế, các tập quán sinh sống, làm ăn ấu trĩ lạc hậu còn tồn tại, nhất là ở vùng có nhiều đồng bào thiểu số.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từng bước có những chuyển biến tích cực. Điều này góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu vùng sâu, vùng xa.
Đến nay đội ngũ cán bộ chuyên trách đã thực hiện chủ trương lồng ghép các chương trình, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể, nên công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề ở tỉnh Ninh Thuận đã thật sự khởi sắc, đạt được kết quả ngoài sự mong đợi. Điều quan trọng quyết định hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo ở Ninh Thuận là yếu tố con người.
Muốn thành công, những cán bộ thực hiện chính sách, dự án đều phải đi sâu, đi sát, tận tình, tận tâm giúp đỡ những người hộ nghèo, hướng dẫn người dân áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, để phát huy có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước; tăng cường nhân rộng các dự án, mô hình đặc thù và chú trọng công tác dạy nghề cho hộ nghèo, thanh niên vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa, người tàn tật...
Bác Ái là một huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Từ năm 2009 đến nay, thông qua việc thực hiện đề án 30a, Trung ương và tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ rất nhiều cho huyện Bác Ái. Chương trình hỗ trợ đầu tư huyện nghèo theo Đề án 30a và các chính sách lồng ghép cùng sự huy động nguồn lực xã hội hóa với nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng đã được phân bổ cho các mục tiêu: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Chương trình 167; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; tổ chức dạy nghề, xuất khẩu lao động, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn… Bước đầu, các chương trình lồng ghép đã góp phần cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, hạ tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 5-7%, cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo (với 1.000 căn nhà được xây dựng, vượt kế hoạch) và đạt được kết quả tốt về các mục tiêu hỗ trợ giao đất, giao rừng; đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao, phù hợp các vùng, thửa đất, tăng hệ số sử dụng đất từ 0,9 lần lên 2 lần và loại bỏ dần các loại cây trồng kém hiệu quả. 450ha đất trong huyện được hỗ trợ cải tạo được bà con đưa vào canh tác lúa nước, bắp, đậu xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian ngắn được cán bộ khuyến nông cùng ra đồng, hướng dẫn trồng lúa nước theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, bà con nông dân đã có thể tự canh tác hiệu quả, đưa năng suất lúa đạt bình quân 4 tấn/ha/vụ.
Ngoài các dự án trồng lúa nước, huyện Bác Ái đã bứt phá thực hiện chuyển đổi cây trồng với các mô hình gồm: 4 dự án sản xuất bắp lai thương phẩm, 2 dự án trồng cây cao su và 1 dự án trồng cây sầu riêng hạt lép. Đặc biệt, mô hình 38 ha diện tích sản xuất lúa giống cao sản (135 hộ dân tham gia) tại xã Phước Tiến đã cho năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Kết quả thực hiện Đề án 30a ở Bác Ái còn thể hiện rõ qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng.
Toàn huyện đã có 98% đường giao thông đến trung tâm xã, 58% đường giao thông đến thôn, xóm được rải nhựa; 50% thôn có công trình nước sinh hoạt tập trung; 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia và 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,72% vào năm 2015, những năm tới huyện Bác Ái sẽ tập trung thực hiện, lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất thành mô hình kinh tế hộ để định hướng, đầu tư trợ giúp các hộ thoát nghèo nhanh và bền vững.