Đảm bảo quyền lợi bền vững của chủ doanh nghiệp và người lao động
- Bài thuốc hay
- 12:39 - 15/08/2018
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo
Theo báo cáo tổng kết tại Hội thảo, năm nay, các địa phương tổ chức Tháng hành động đã có nhiều hoạt động thiết thực, đổi mới trong hoạt động thông tin, truyền thông, huấn luyện và có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cũng như liên ngành. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình tổ chức Tháng hành động. Trong Quý II năm 2018, Bộ đã tổ chức 3 đợt thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật ATVSLĐ đối với 108 doanh nghiệp và công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Bên cạnh việc thông tin tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan báo đài về chủ đề, nội dung của Tháng hành động, Bộ đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về Lễ phát động Tháng hành động và các hoạt động của Tháng hành động trên các bản tin thời sự VTV1, xây dựng và phát miễn phí gần 1.000 cuốn bản tin về ATVSLĐ đến các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ đã phối hợp với VNPT xây dựng nội dung, thông điệp về ATVSLĐ gửi tin nhắn cho 5.000 thuê bao tuyên truyền trong dịp này. Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh – địa phương đăng cai tổ chức Lễ phát động tổ chức triển lãm 80 tranh, ảnh tại tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 6/5 đến hết ngày 13/5/2018 với 1.500 lượt người tham dự và tham quan.
Trong Tháng hành động, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam cũng đã tích cực hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực như: Khám, tư vấn sức khỏe, bệnh nghề nghiệp miễn phí cho công nhân tại một số cơ sở lao động; Các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức gần 900 cuộc mít tinh hưởng ứng với sự tham gia của 65.000 cán bộ, chiến sỹ và người lao động, phối hợp với báo, đài, Truyền hình Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí xây dựng phim, phóng sự chuyên đề và các tin bài, phóng sự truyền hình khu vực và địa phương; Thăm hỏi, động viện và tặng quà cho hơn 7.500 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động; Tổ chức cuộc phát động thu gom rác thải, phát hành tờ rơi, pano, áp phích, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền…
Quang cảnh Hội thảo
Bên cạnh sự hưởng ứng nhiệt liệt của các cơ quan trung ương, các địa phương cũng đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: Gần 600.000 người lao động được huấn luyện ATVSLĐ, đây là hoạt động được các địa phương và doanh nghiệp ngày càng quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; Các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương đã liên tục phát tin bài, tọa đàm, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền trên các đài quận, huyện, xã, phường góp phần truyền tải kiến thức ATVSLĐ đến với đông đảo tầng lớp nhân dân trong cả nước; Tổ chức gần 20.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, chủ yếu vào các ngành nghề lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, có gần 18.000 cuộc tự kiểm tra trong đó có trên 10.000 nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ được phát hiện và gần 6.000 nội quy, quy trình làm việc an toàn được bổ sung; Tổ chức 870 cuộc thi an toàn – vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ thu hút trên 210.000 lượt người lao động và quần chúng nhân dân tham gia; Tổ chức thăm hỏi, tặng quà trên 8.600 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp…
Đối với địa phương trọng điểm tổ chức Lễ phát động và các hoạt động mang tính quốc gia của Tháng hành động, thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức thành công Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH thành phố, tình hình tai nạn lao động trong tháng 5/2018 giảm 5,3%, trong 2 quý đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ năm 2017. Các hoạt động hưởng ứng đã được triển khai đồng loạt từ cấp thành phố cho đến cấp quận, huyện, phường, xã và doanh nghiệp, tạo phong trào thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, trong hai năm qua, Tháng hành động đã tạo chuyển biến tích cực, lan tỏa trong toàn quốc ý thức về an toàn trong lao động. Đặc biệt, các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 đã được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, hướng về việc triển khai Luật ATVSLĐ và chú trọng các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN, thúc đẩy công tác huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động. Theo đó, Tháng hành động về AVSLĐ năm 2018 (gọi tắt là Tháng hành động) được phát động từ ngày 1 đến 31/5 với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ, BNN” – được phát động tại TP Hồ Chí Minh đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi, cụ thể. Nhấn mạnh về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê tấn Dũng yêu cầu, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới công việc này và đề cao vai trò tham mưu của ngành LĐTBXH, các chủ doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác ATLĐ. Bên cạnh đó, người lao động phải nâng cao ý thức của mình, không được chủ quan, lơ là trong ý thức về ATVSLĐ, giữ gìn sức khỏe để làm việc lâu dài.
Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng trình bày kế hoạch tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 và phương án đổi mới tổ chức Tháng hành động 2020
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Tháng hành động năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 1 - 31/5/2019, Lễ phát động và các hoạt động mang tính quốc gia tổ chức tại Quảng Nam. Chủ đề Tháng hành động tập trung vào đánh giá, kiểm soát nguy cơ, rùi ro về ATVSLĐ để chủ động có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN, cháy nổ tại nơi làm việc. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động: Huấn luyện, hướng dẫn các kỹ năng làm việc an toàn, cụ thể cho người lao động; Cải thiện điều kiện lao động; Thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề có nguy cơ cao về TNLĐ…