CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:31

Giữ nguyên giờ làm việc 48 giờ/tuần: Hợp lý và phù hợp với nền kinh tế

Áp dụng thời gian lao động như các nước khu vực là phù hợp

Nên hay không việc giảm giờ làm việc tiêu chuẩn ở khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, và đề xuất thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm… là những nội dung bên cạnh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, nhận được rất nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ ý kiến thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này.

Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong phiên thảo luận sáng nay 23/10, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), ủng hộ việc giữ nguyên 48 giờ vì cho rằng phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý.

Theo ông Lộc, hầu hết các quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ. Với điều kiện nước ta hiện nay thì việc áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp.

Ông Lộc cho rằng, việc rút ngắn thời gian làm việc bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng, khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo vị đại biểu tỉnh Thái Bình, giảm thời gian làm việc sẽ dẫn đến giảm tiền lương, làm chậm kế hoạch tăng lương vì doanh nghiệp sẽ tính toán lại. Hơn nữa, năng suất lao động nước ta còn thấp nên tiền lương, thu nhập chưa cao, khi giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, người lao động vẫn phải tìm kiếm việc để làm dẫn đến hệ luỵ khó lường.

Giữ nguyên giờ làm việc 48 giờ/tuần: hợp lý, và phù hợp với nền kinh tế - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc)

Theo đó, ông Lộc cũng nhấn mạnh, việc giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, gây chi phí doanh nghiệp tăng, giảm sự cạnh tranh dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, và nhiều lao động sẽ mất việc làm.

Thêm nữa, việc duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm, theo ông Lộc, buộc doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, "nhưng trong điều kiện thị trường hiện nay, khi tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp, thì các doanh nghiệp rất khó tuyển thêm lao động", vị đại biểu tỉnh Thái Bình băn khoăn.

Giảm giờ làm việc chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay

Cùng chung quan điểm về thời gian làm việc bình thường nên giữ 48 giờ/ tuần, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, qua nghiên cứu báo cáo, và qua đánh giá tác động, đây là vấn đề được sự quan tâm của xã hội; tác động đến người sử dụng lao động, người lao động, và toàn xã hội.

Do đó, việc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ theo ông Tiến, có tác động, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, và theo ông, giảm giờ làm việc chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, nhất là khi năng suất lao động của chúng ta chưa cao so với nhiều nước trong khu vực.

Vì vậy ông Tiến nhất trí đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, là làm việc không quá 48h/tuần, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động giảm giờ làm việc hàng tuần, quy định như Bộ Luật Lao động (sửa đổi) như vậy là phù hợp và chặt chẽ.

Giữ nguyên giờ làm việc 48 giờ/tuần: hợp lý, và phù hợp với nền kinh tế - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên)

Về thêm giờ làm tối đa, không khống chế làm thêm giờ theo tháng và nâng thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300h lên 400h cho một số ngành nghề có tính đặc thù trong năm.

Theo vị đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, ông đồng tình với đề xuất này, vì đã phần nào đáp ứng nhu cầu làm thêm giờ của đa số người lao động, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động và không bị gò bó bởi thời gian làm thêm giờ trong tháng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tính thời vụ.

Cho rằng, nên quy định danh mục ngành nghề làm thêm giờ và trả lương lũy tiến, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) phát biểu: "Như ngành Y tế chẳng hạn, một số bác sĩ trực đêm, theo quy định lẽ ra hôm sau được nghỉ, nhưng vì thiếu bác sĩ nên họ vẫn phải đi làm. Số giờ làm vượt quá 300h/ năm nhưng họ chỉ được hưởng các chế độ như quy định là 300h".

Do vậy, theo ông Vân, nên có quy định cụ thể giờ làm thêm cho từng ngành nghề, kể cả các đơn vị sự nghiệp.

Đồng quan điểm đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng nếu nhiều ngành không cho làm thêm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Như mía đường chỉ sản xuất trong 4 tháng, thủy sản, lúa cũng thu hoạch theo vụ nếu không cho làm thêm thì sản phẩm nông sản sẽ không thể bảo quản được. Một số ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, điện tử nếu doanh nghiệp có đơn đặt hàng mà không cho làm thêm thì rất khó để hoàn thành đúng tiến độ.

"Theo tôi, nhu cầu làm thêm của người lao động và người sử dụng lao động là chính đáng", ông Hoàng nhấn mạnh.

Đánh giá về sự tiến bộ của Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, nếu được thông qua, dự Luật sẽ tạo được bước đột phá trên 2 hướng: bao trùm hơn và hội nhập hơn.

"Bao trùm hơn vì lần đầu tiên Dự luật đã đưa được đối tượng điều chỉnh là cả 55 triệu người trong độ tuổi lao động nước ta để bảo vệ, thúc đẩy 1 quyền cơ bản, quyền hiến định của người lao động là "quyền có việc làm", ông Lộc nói.

Cùng với đó, cũng theo ông Lộc, hội nhập hơn vì dự luật đã tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế, về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, đã mở đường cho sự thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở, ngoài hệ thống của Tổng Liên đoàn.

"Đó là yêu cầu phát triển tự thân của nền kinh tế thị trường nước ta và cũng là để tuân thủ các cam kết hội nhập", ông Lộc nhấn mạnh.

Những đột phá này của dự luật, theo Chủ tịch VCCI, đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các đại biểu Quốc hội , điều này cho thấy tinh thần hội nhập luôn là tâm thế của nước nhà.

THANH NHUNG - CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh