THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Giữ nghề phố cổ

Hà Nội xưa với 36 phố phường, mỗi con phố mang những đặc trưng nghề khác nhau, đã tạo nên những nét văn hóa vô cùng đặc sắc trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội hiện đại đang khiến nhiều nghề thủ công truyền thống tại Hà Nội không còn được ưu chuộng như xưa. Nhiều nghề đã hoàn toàn biến mất, một số khác hoạt động cầm chừng, nhưng đâu đó vẫn còn những nghệ nhân luôn đau đáu với nghề mà vượt qua những giánh nặng vật chất để giữ lại nghề của cha ông với hy vọng nghề truyền thống của gia đình sẽ không bị mai một.

Phố Tô Tịch (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây nổi tiếng với những cửa hàng tiện gỗ, gắn liền với tiếng đục đẽo cưa bào vang khắp ngõ ngách. Thế nhưng, giờ đây “phố mộc” đã biến mất, nghề thợ tiện mai một dần. Duy chỉ còn ngôi nhà số 7 của anh Lê Đình Thắng vẫn cố gắng giữ nghề.

Lê Đình Thắng người thợ tiện cuối cùng trên phố Tô Tịch

Trong căn phòng chật hẹp, đầy bụi và gỗ chỉ vẻn vẹn 15m2 của gia đình anh Lê Đình Thắng (phố Tô Tịch, Hà Nội) hàng ngày vẫn diễn ra công việc tiện, đục đẽo những món đồ gỗ thủ công - một hình ảnh dần trở nên hiếm hoi tại phố cổ Hà Nội trong những năm trở lại đây. 

Xã hội phát triển đi đôi với sự lên ngôi của công nghệ hiện đại khiến cho những người làm nghề thủ công như anh Thắng phải đối diện với không ít thách thức. Các sản phẩm gia dụng không còn đơn thuần được chế tác từ những nguyên liệu truyền thống như gỗ, mây, tre... mà đã được đa dạng hóa bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau.

“Nghề thủ công nên rất vất vả, lại lắm công phu đòi hỏi người làm phải thật sự kiên trì và tỉ mỉ thì mới có được những sản phẩm tinh xảo được, có khi làm được một cái đĩa gỗ nhỏ cũng phải mất nửa ngày trời, nên đa phần các bạn trẻ hiện nay không đủ kiên trì để được nghề”, anh Thắng chia sẻ.

Trăn trở với nghề nhưng anh Thắng hiểu rằng nghề tiện gỗ thủ công truyền thống đã qua thời vàng son từ lâu. Theo anh Thắng: “Nghề này không phải là con đường làm kinh tế hiệu quả. Ai cũng hỏi tại sao không chuyển nghề, không kinh doanh buôn bán để kiếm lời lãi cao hơn. Nhưng khó trả lời lắm… Nếu không có lòng đam mê và muốn giữ nghề truyền thống của gia đình thì chắc tôi khó mà theo đuổi nghề cưa bào này lâu như thế”. Làm sao để giữ nghề mà vẫn ổn định thu nhập cuộc sống là một bài toán khó đối với những người làm nghề truyền thống như anh Thắng.

Dù nghề chế tác gỗ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin các sản phẩm gỗ được chế tác theo lối thủ công vẫn tạo nên sức hấp dẫn riêng, đồng thời cũng góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của ông cha xưa, anh Thắng chia sẻ.

Giống như anh Thắng, đâu đó trên các phố phường Hà Nội vẫn còn đó những nghệ nhân được cho là người cuối cùng miệt mài giữ hồn “ tên phố - tên nghề”.

Một góc nhỏ tại phố Lò Rèn ngày ngày những âm thanh chan chát vẫn vang lên tại lò rèn cuối cùng trên con phố vốn nổi tiếng với nghề rèn trước đây. Người thợ cuối cùng và cùng là chủ nhân của lò rèn này là ông Nguyễn Phương Hùng, người nối nghiệp của cha và ông mình tiếp tục giữ lửa nghề rèn.

Ngày ngày lò rèn cuối cùng tại phổ cổ Hà Nội vẫn đỏ lửa

Trong tiếng huyên náo của ô tô, xe máy và hoạt động kinh doanh tấp nập thì những âm thanh từ tay búa và chiếc đe của ông Hùng như tiếng vọng dội về từ một quá khứ xa xăm. Từ nhiều năm này nghề rèn trên con phố này đã bị thay thế bằng các cửa hàng quần áo, hàng mỹ phẩm, ngân hàng, cửa hàng hàn... Những người thợ rèn đã chuyển sang làm các công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao hơn.

Theo ông Hùng một trong những nguyên nhân khiến nghề rèn trên Lò Rèn dần mai một là nghề thợ rèn là một nghề vất vả, nặng nhọc. Muốn làm ra được một sản phẩm rèn phải trải qua nhiều giai đoạn công phu. Cái quan trọng nhất là sự kiên trì và nhẫn nại. Từ việc nung sản phẩm đến một nhiệt độ thích hợp đến đập búa với lực thế nào cho vừa đủ đều phải hết sức chuyên tâm mới thành.

“Làm bất cứ công việc nào cũng cần có lòng yêu nghề, có tâm với công việc mình làm thì sẽ tìm được niềm vui. Tôi xem công việc của mình như một thú vui và tìm thấy sự thoải mái trong công việc ấy”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng là người cuối cùng ở phố Lò Rèn còn bám trụ với nghề. Tình yêu nghề đã giúp ông giữ lửa cho nghề rèn. Nhưng trong ông Hùng vẫn có một nỗi lo, sau khi ông không thể làm công việc này nữa thì số phận của phố Lò Rèn sẽ giống như nhiều phố khác trong 36 phố phường Hà Nội cũ, nơi những con phố có cái tên gắn với một phường hội, ngành nghề hoạt động trên phố như phố Hàng Quạt, Hàng Khoai, Bát Sứ, Hàng Nón…nay chỉ còn là tên phố.

 “ Thanh niên ngày nay không còn muốn làm công việc này. Các bậc phụ huynh cũng không ai muốn con cái mình theo nghề rèn. Bởi vì, tâm lý chung chỉ muốn con vào đại học, ngại theo nghề nặng nhọc. Nhiều khi tôi chỉ mong có người theo nghề để truyền lại chứ lỡ mai bản thân không còn sức khỏe thì nghề rèn cũng sẽ mai một”- ông Hùng chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành hàng ngày vẫn say mê, gắn bó với nghề chạm bạc thủ công

Cách phố Lò Rèn không xa, trên con phố Hàng Bạc ngày ngày nghệ nhân già Nguyễn Chí Thành năm nay đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi lẽ nhiều người đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, an dưỡng thì ông Thành vẫn hằng ngày say mê, tỉ mỉ bên từng sản phẩm của mình, ngọn lửa đam mê nghề chạm bạc dường như chưa bao giờ tắt trong ông. Với bàn tay khéo léo của mình ông Thành đã chế tác ra không biết bao món đồ trang sức bằng bạc vô cùng tinh tế suốt nửa thế kỷ qua.

Được biết ông Thành là người gốc làng Đình Công, làng tổ nghề kim hoàn của Hà Nội xưa. Được kế thừa nghề truyền thống chạm bạc của gia đình, có lẽ niềm đam mê với chạm bạc đã theo ông ngay từ khi còn bé. Lớn lên trong những tiếng lách cách chạm bạc của cha, nghệ nhân Nguyễn Chí Thành đã nuôi dưỡng tình yêu với nghề chạm bạc từ lúc nào không hay. Nhiều thế hệ trong gia đình ông đã sống ở phố Hàng Bạc hơn một thế kỷ và đã theo đuổi nghề chạm bạc đến ông là đời thứ tư. Cả cuộc đời gắn bó với nghề ông Thành luôn quyết tâm và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống cho gia đình.

Tuy nhiên, cũng chung số phận như bao nghề thủ công khác, nghề chế tác bạc trên con phố Hàng Bạc cũng bị ảnh hưởng nhiều sự phát triển của máy móc công nghiệp. Dọc con phố Hàng Bạc, vẫn có rất nhiều cửa hàng bày bán những sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc. Nhưng phần lớn trong số đó đều được làm bằng máy móc, hay còn gọi là mỹ nghệ công nghiệp, thế nên đa số các mặt hàng tương đối giống nhau, không có độ tinh sảo bằng các sản phẩm thủ công.

Trong khi nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề, thì nghệ nhân Nguyễn Chí Thành vẫn say mê, gắn bó với nghề chạm bạc thủ công. Theo ông Thành:” Những món đó vàng bạc chế tác thủ công vẫn mang trong mình những sự tinh tế của người Hà Nội xưa. Mỗi món đồ gửi gắm giá trị tinh thần của người thợ chế tác”.

Ông Thành chia sẻ: Nghề chạm bạc là nghề làm đẹp cho đời, nhu cầu của người dẫn vẫn rất lớn. Nhưng để gắn bó được với nghề  trước hết cần tình yêu với công việc chế tác những món đồ trang sức bằng bạc. Với những người già nhưng tôi chẳng biết còn có thể giữ nghề được trong bao lâu, chỉ mong cho con cháu đừng bao giờ thôi đam mê với nghề chạm bạc”. Hơn nữa, ông nghĩ rằng đây là nghề của ông cha đã để lại cho con cháu, nếu để mai một thì thật đáng tiếc. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn nhưng ông luôn cố giữ lấy nghề.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh