Giữ lửa cho nghề nài voi ở buôn Đôn
- Văn hóa - Giải trí
- 15:32 - 01/10/2015
Từ lâu rồi buôn Đôn đã trở thành vùng đất được biết đến với những câu chuyện săn voi huyền thoại của các “vua voi” như Y Thuca N’Nun, Khusanup, Ama Công.
Cho đến ngày nay, nghề nài voi vẫn được lưu giữ như một bản sắc văn hóa, truyền thống của vùng đất này. Thật bất ngờ khi giữ lửa cho truyền thống ấy là những cậu bé chỉ từ 8-12 tuổi với khuôn mặt sạm đen vì nắng gió trên lưng voi. Vũ Đăng Hiếu cũng là một trong những nài voi nhí ấy. Hiếu mới 12 tuổi, dáng người nhỏ thó, gầy gò, nhưng đã có hai năm trong nghề chăm sóc và thuần dưỡng voi. Chúng tôi gặp Hiếu khi em đang ngồi trên lưng và điều khiển voi di chuyển. Hiếu cho biết, điều khiển voi rất dễ, chỉ cần học được những câu khẩu lệnh và đối xử thân thiện với chúng là có thể ngồi lên lưng voi đi lại bình thường.
Y Quyết chuẩn bị thức ăn cho voi.
Người bạn khổng lồ của Hiếu là chú voi có tên H’túc, trên 30 tuổi, nặng chừng 3 tấn. Nhìn Hiếu vui đùa cùng chú voi to lớn như thế ai cũng ngỡ ngàng vì sự gan dạ của cậu. Hiếu “học nghề” nài voi từ một người hàng xóm tên Y Khun, từ khi cậu 10 tuổi. Hồi ấy, Y Khun được khu du lịch buôn Đôn thuê chăm sóc cho H’túc.
Những lúc rảnh rỗi, Y Khun thường dẫn Hiếu đi theo để truyền dạy kĩ năng. Ông Y Khun cười sảng khoái, kể: “Ban đầu tôi cho cháu Hiếu làm quen với H’túc từng ít một. Nhưng cậu bé học nhanh lắm, mới chỉ 2-3 ngày là biết làm quen với voi, chưa đầy 1 tháng thì học được những câu khẩu lệnh để voi nghe theo mình. Và bây giờ, cháu Hiếu đã có thể điều khiển voi như một nài voi thực thụ”.
Hiếu hướng dẫn cho tôi cách trèo lên lưng H’túc. Khi đã yên vị trên lưng voi, Hiếu kể cậu đã từng bị voi hất rơi xuống đất một lần nhưng may mắn không bị thương. Khoảng thời gian đó Hiếu sợ lắm, không dám trèo lên lưng voi nữa. Song vì Hiếu hay đến chơi và chăm sóc H’túc nên dần dần nó quen với cu cậu lúc nào không hay. Giờ thì khác rồi, Hiếu có thể ngồi trên lưng voi cả ngày...
Giống như Hiếu, Y Quyết cũng là một nài voi nhí đầy triển vọng ở buôn Đôn. Y Quyết năm nay mới 9 tuổi, nhưng đã nổi tiếng với nghề thuần dưỡng voi. Cậu bé được người chú ruột truyền lại cho các kỹ năng làm nài voi từ khi lên 7. Hiện nay Y Quyết đã có thể điều khiển voi dẫn khách đi du lịch và làm được tất cả những công việc của một nài voi dày dặn kinh nghiệm.
Bà H’Hóa Byă, Trưởng buôn Đôn cho biết, Y Quyết rất giỏi, còn nhỏ tuổi mà có thể điều khiển voi dẫn khách đi du lịch như người lớn. Bây giờ người làm nài voi rất ít nên việc chăm sóc, thuần dưỡng voi rừng gặp rất nhiều trở ngại. Những người như Y Quyết sẽ là thế hệ tiếp nối và giữ gìn truyền thống của cha ông.
Làm nghề nài voi lương rất thấp. Cộng với số lượng voi được thuần dưỡng ngày càng sụt giảm nên số người trụ lại với nghề rất ít. Chưa kể, giới trẻ trong vùng đa phần không muốn gắn bó với nghề chăn voi nên nguy cơ nghề này sẽ thất truyền.
Ông Nguyễn Trụ, Giám đốc Khu du lịch sinh thái buôn Đôn chia sẻ: “Số lượng voi ở buôn Đôn đang dần bị sụt giảm bởi sự săn bắt voi trái phép và sự xâm hại rừng của người dân. Bên cạnh đó, việc thuần dưỡng voi rừng càng trở nên khó khăn. Những cậu bé học nghề thuần dưỡng voi như Hiếu, Y Quyết là nhân tố rất quý về sự gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống vùng miền của thế hệ trẻ”.
Chiều về ở buôn Đôn, từng lớp người già trẻ, trai gái từ nương rẫy đang í ới gọi nhau trở về nhà. Cùng với đó là hình ảnh Hiếu đứng bên cạnh thủ thỉ trò chuyện cùng H’túc, trong khi Y Quyết thì đang thái chuối cho voi ăn. Tôi bỗng chợt vui vì nhận ra rằng, sự kế thừa nghề nghiệp của cha ông đôi khi chỉ là những việc làm bình dị nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao, góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc...